QĐND - LTS: Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng xác định: “Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả sáu nhiệm vụ trọng tâm”. Từ số ra hôm nay, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu loạt bài viết, qua đó phân tích, làm rõ nội dung chủ yếu của các nhiệm vụ, đồng thời đề xuất một số chủ trương, giải pháp quán triệt, triển khai thực hiện trong thời gian tới, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.

Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng được trình bày thành 15 vấn đề lớn, trong đó tập trung nổi bật và vô cùng quan trọng là vấn đề XV, với tiêu đề: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”.

Tiêu đề Báo cáo chính trị đồng thời cũng là chủ đề, là tư tưởng chỉ đạo đại hội đã đặt lên hàng đầu vấn đề “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh…”.

Đảng có thực sự trong sạch, vững mạnh thì mới thực sự nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, mới giúp cho Đảng làm tròn trọng trách lịch sử của một Đảng lãnh đạo, cầm quyền, mới ngang tầm nhiệm vụ để lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đem lại Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho nhân dân.

Ảnh minh họa.

Trong sáu nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung mọi nỗ lực thực hiện của nhiệm kỳ Đại hội XII (được xác định trong Dự thảo Báo cáo chính trị), Đảng ta cũng đặt lên hàng đầu nhiệm vụ “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” (1).

Đủ thấy vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào lúc này quan trọng và hệ trọng biết chừng nào.

Mỗi cán bộ đảng viên, mỗi tổ chức Đảng và toàn Đảng cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm trước nhân dân và dân tộc mình để biến quyết tâm chính trị thành hành động cách mạng, tạo ra những sự thay đổi có tính đột phá của công cuộc phát triển đất nước, bắt đầu từ việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng-nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ của mọi nhiệm vụ.

Lịch sử vẻ vang, truyền thống oanh liệt của Đảng ta-một Đảng cách mạng chân chính do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã làm nên uy tín và ảnh hưởng rộng lớn của Đảng trong nhân dân và xã hội. Nhân dân tự hào và tin tưởng ở Đảng, vẫn thường quan niệm Đảng là Đảng của mình. Đây không chỉ là sự khẳng định một giá trị cao quý mà dân dành cho Đảng mà cũng là xác định trách nhiệm cao cả nhưng rất nặng nề của Đảng do nhân dân giao phó-sao cho mãi mãi xứng đáng với niềm tin đó của nhân dân. Đảng phải nỗ lực hành động hết mình để xứng đáng với sự tin cậy, ủy thác và kỳ vọng của nhân dân đối với Đảng của mình. Đảng phải là Đảng vì dân, vì cuộc sống của nhân dân, đó là lý do duy nhất về sự tồn tại của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rõ, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, đó là tất cả lý do tồn tại và là lẽ sống của Đảng, ngoài ra không có bất cứ một lý do nào khác.

Trước đây, Đảng lãnh đạo toàn dân làm cách mạng, đánh đổ đế quốc, thực dân, phong kiến, giải phóng nhân dân và dân tộc khỏi ách nô lệ, giành lấy độc lập, tự do cho nhân dân. Ngày nay, nhất là trong tiến trình đổi mới, Đảng lãnh đạo nhân dân vượt qua đói nghèo, lạc hậu, chậm phát triển, để củng cố vững chắc độc lập chủ quyền, để đất nước giàu mạnh, để nhân dân thực sự hưởng quyền tự do dân chủ và quyền làm chủ của mình, để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát huy đầy đủ tất cả mọi tiềm năng sáng tạo của mình. Với trọng trách đó, Đảng phải đi tiên phong trong việc thực hiện. Muốn tiên phong thực hiện được, Đảng phải vững mạnh, bởi trong sạch mà vững mạnh, và muốn thực sự vững mạnh thì điều tiên quyết là phải trong sạch. Từng tổ chức từ cơ sở tới Trung ương và toàn Đảng, từng đảng viên, từ đảng viên thường đến đảng viên giữ chức vụ-chức vụ càng cao trọng trách càng nặng, tài và đức càng phải lớn, gương mẫu càng phải nổi bật… sao cho dân nhìn vào Đảng, qua hoạt động của Đảng và tư cách của đảng viên, thấy rõ niềm tin được nâng cao, hy vọng được củng cố, triển vọng cuộc sống ngày một tích cực và tốt đẹp. Đảng ta lãnh đạo và cầm quyền, lại duy nhất cầm quyền trong bối cảnh, tình hình phức tạp, trước yêu cầu ngày càng cao của phát triển, Đảng đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua. Song, chắc chắn không có thách thức nào lớn hơn là thách thức giữ trọn được niềm tin nơi dân chúng, thách thức về sự gắn bó máu thịt với nhân dân, thách thức về sự xứng đáng là người lãnh đạo, đồng thời là người đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của dân, được cuộc sống đánh giá, được nhân dân xác nhận.

Lê-nin đã từng cảnh báo, một trong những nguy cơ lớn nhất, đáng sợ nhất đối với Đảng khi cầm quyền là xa cách quần chúng. Xa dân là tự mình làm suy yếu cơ sở xã hội quan trọng nhất làm nên sức sống và sự bền vững của Đảng.

Từ xa dân đến mất dân, phải thấy rõ đó thực sự là một hiểm họa với Đảng, mà dấu hiệu đầu tiên là làm suy giảm niềm tin của dân đối với Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI còn chỉ rõ, sự suy giảm niềm tin không chỉ có ở dân mà còn có ở đảng viên, ở không ít đảng viên với chính đảng của mình. Đối với Đảng, đây không chỉ là nỗi lo mà còn là “sự dằn vặt đau đớn từ lương tâm và danh dự, phẩm giá và khí tiết của một Đảng cách mạng”.

Lịch sử mối quan hệ giữa Đảng với dân, từ khi Đảng sinh thành đến khi trưởng thành và cầm quyền như hiện nay, cho thấy một sự thật là, dân không xa Đảng, dân đã từng tin tưởng, chở che, bảo vệ Đảng lúc khó khăn gian khổ, dân đã từng mong muốn Đảng đổi mới, vượt qua những thiếu sót, sai lầm để đưa sự nghiệp đi lên với sự giúp sức của nhân dân. Dân tin Đảng, theo Đảng bởi dân hiểu rõ mục đích, bản chất của Đảng là phấn đấu hy sinh vì dân, cho dân. Đại hội VI của Đảng, 30 năm về trước, đại hội mở đầu công cuộc đổi mới, là kết quả sinh thành từ một sự cộng hưởng thiêng liêng giữa lòng dân và ý Đảng, để rồi nhanh chóng trở thành phép nước, làm nở hoa kết trái mùa đầu của những thành tựu đổi mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tổng kết, không có Đảng thì dân không có người lãnh đạo, dẫn dắt, nhưng không có dân thì Đảng không có lực lượng. Không có lực lượng cũng giống như không có sức mạnh, sức sống, sinh khí vậy. Khi chưa cầm quyền, còn hoạt động trong vòng bí mật và bị kẻ thù vây lùng, đàn áp, sống-chết trong gang tấc, không có dân, Đảng không thể hoạt động; Đảng gần dân, gắn bó với dân như một lẽ sinh tồn tự nhiên. Khi cách mạng thành công và Đảng trở thành Đảng cầm quyền, cán bộ đảng viên bắt đầu có chức, có quyền, có danh, có lợi thì cũng đồng thời xuất hiện nguy cơ xa dân, quan cách, cửa quyền, đứng trên dân chúng. Đó thực sự là mầm mống tai họa, từ nguy cơ xa dẫn đến hiện trạng, thực trạng gần, giờ đây quan liêu, tham nhũng đã thành vấn nạn, quốc nạn. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI còn nói rõ tình trạng suy thoái xảy ra ở bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ lãnh đạo các cấp, kể cả cấp cao, đe dọa sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Dân không xa Đảng, ngay cả khi dân suy giảm niềm tin, nhưng không ít cán bộ đảng viên xa dân và suy thoái, làm cho tổ chức Đảng ở cơ sở, tức là ở ngay trong cuộc sống của dân mà vẫn không mạnh, không đẩy lùi, tẩy trừ được tham nhũng. Nghịch lý này làm bộc lộ rõ những yếu kém, suy thoái ngay trong nội tại, trong nội bộ Đảng, xa lạ với bản chất của Đảng cách mạng chân chính.

Đủ hiểu tại sao, trong nhiều văn kiện, nghị quyết gần đây, Đảng với tinh thần tự phê phán, đã đặc biệt nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan. Đảng, từ tổ chức đến cán bộ đảng viên đã “tự xa dân”, nếu không thức tỉnh và quyết tâm sửa chữa thì chính Đảng “đã tự mình để mất dân”, để mất khả năng tự bảo vệ của Đảng, của cách mạng. Hơn 20 năm trước, E-gôn Kơ-ren - Tổng Bí thư cuối cùng của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức đã phải cay đắng thừa nhận rằng, tự chúng tôi (những người cộng sản) đã mắc phải sai lầm, mà vì quá muộn, đã không còn khả năng sửa chữa nữa. Kết cục, Cộng hòa Dân chủ Đức đã không còn tồn tại như một nhà nước, như một chính thể, cùng với sự đổ vỡ thể chế ở Liên Xô và Đông Âu, làm tan rã cả hệ thống xã hội chủ nghĩa. Sự kiện này cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và ý nghĩa cảnh báo với chúng ta!

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII, Đảng đã thẳng thắn nói rõ sự thật “… Đảng ta chưa thật sự trong sạch vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ” (2).

Vì thế, nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho nhiệm kỳ Đại hội XII là phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

Để nghiêm chỉnh thực hiện nhiệm vụ này cũng như thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, ngay sau đại hội, một cách khẩn trương, mạnh mẽ, quyết liệt, cần phải tập trung giải quyết những vấn đề căn bản, then chốt và cấp thiết:

- Phải gắn liền xây dựng Đảng với chỉnh đốn Đảng. Chỗ thiếu và yếu kéo dài từ nhiều năm qua là Đảng không nhấn mạnh và thực thi đúng mức yêu cầu, nội dung “xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa”, nhất là khi đất nước đi vào phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường và Đảng lãnh đạo trong điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập. Đã đến lúc phải đặc biệt nhấn mạnh nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa trong khi tiến hành xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh vấn đề này. Giờ đây, phải đặc biệt coi trọng giáo dục, thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính trong Đảng; phải chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, tạo nên giá trị văn hóa của Đảng Cộng sản cầm quyền, đặc biệt là văn hóa đạo đức, văn hóa chính trị, văn hóa thể chế (thi hành Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, quy chế, chế độ và chế tài trong mọi hoạt động của Đảng để siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tạo thành nền nếp, biến thành lối sống) và văn hóa ứng xử. Quan trọng nhất là ứng xử với dân, nêu cao ý thức tinh thần trọng dân, trọng pháp, đề cao trách nhiệm, tự chịu trách nhiệm. Thiếu vắng trách nhiệm, xem nhẹ đạo đức, văn hóa ở đời và làm người đã dẫn đến “thói vô cảm” với dân, với xã hội như đã và đang xảy ra.

- Giáo dục thường xuyên về tư cách đảng viên trong Đảng, gắn chặt với giám sát, kiểm tra trong nội bộ Đảng, với sự hỗ trợ, giám sát của dân, tạo dư luận và môi trường xã hội lành mạnh, dân chủ để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, giám sát cán bộ đảng viên, như từ lâu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra, về tư cách đảng viên. Cũng hơn 20 năm về trước, Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX đã nêu rõ tư cách đảng viên trong đổi mới. Đó là: Đảng viên phải là “người lao động giỏi, người công dân gương mẫu, người chiến sĩ tiên phong trong đổi mới”. Vậy mà, do yếu kém trong lãnh đạo tổ chức thực hiện, những điều quan trọng, đúng đắn như thế đã bị sao nhãng, lãng quên, nay phải khôi phục lại và ra sức thi hành, lấy đó làm tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên và tổ chức Đảng.

- Đặc biệt phải tiến hành giáo dục và thực hành về lòng tự trọng, danh dự, phẩm giá, “giáo dục liêm sỉ trong Đảng”. Cùng với đạo đức, luật pháp, đây là sức mạnh của tự thức tỉnh, tự phê phán, tự đề kháng để không rơi vào tham nhũng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị “… phải biết xấu hổ khi có tính tham, lòng tham”. Xây dựng bộ luật đạo đức xã hội và quy phạm đạo đức trong Đảng, nhất là lòng tự trọng, thói liêm sỉ, như một cái phanh hãm cần thiết để ngăn chặn tham nhũng, thói hư hỏng, mục nát từ bên trong (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Phải chống lại và trừng trị thói tham nhũng, bất liêm, như chống lại và nghiêm trị một tội ác, từ tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn, tham nhũng trong chính trị và chính sách với sự câu kết của lợi ích nhóm, bất minh, bất chính, bất liêm.

- Thực hiện chiến lược và chính sách cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là cán bộ cấp chiến lược, trước hết là đánh giá đúng cán bộ, phát hiện đúng và sử dụng tốt các nhân tài, hiền tài. Dân tiến cử, lựa chọn hiền tài giúp Đảng, cho Đảng.

- Thực hành dân chủ trong Đảng, công khai minh bạch trước dân về những đánh giá, chất vấn trong Đảng.

Đó là những việc nên làm, cần làm một cách bài bản và kiên trì trong thời gian tới.

GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO, Hội đồng Lý luận Trung ương

(1)  Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII. H.4/2015, tr.93.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII. H.4/2015, tr.81.