Điều 88 quy định về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Một số ý kiến cho rằng quy định DNNN là doanh nghiệp có hơn 50% vốn góp hoặc cổ phần chi phối là chưa phù hợp, khái niệm này thay đổi liên tục, không bảo đảm tính nhất quán. Có ý kiến đề nghị giải thích thêm căn cứ để lựa chọn phương án từ 50% vốn nhà nước thì xác định là DNNN; đồng thời, xem xét lại tỷ lệ này để bảo đảm quyền chi phối của Nhà nước tại doanh nghiệp.
 |
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội. |
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Tỷ lệ theo quy định tại dự thảo Luật như đã quy định trước đây tại Luật Doanh nghiệp năm 2005. Việc quy định “doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là DNNN” nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn việc sử dụng vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, việc thay đổi khái niệm có thể có những tác động nhất định đến quá trình cổ phần hóa, song các doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối chỉ là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở những lĩnh vực then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm như tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW. Do vậy, sẽ không có tác động lớn. Mặt khác, việc sửa đổi khái niệm về DNNN như trên sẽ được tiến hành rà soát sửa đổi, bổ sung tại các luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan về DNNN và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 để bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, có hiệu lực thi hành cùng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải quy định về DNNN là doanh nghiệp có hơn 50% vốn góp hoặc cổ phần chi phối nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần và góp vốn chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Trung ương. Song một số ý kiến đề nghị là cân nhắc khái niệm này vì nó có thể ảnh hưởng đến quá trình quản trị cũng như vấn đề cổ phần hóa DNNN và cũng có ý kiến đề nghị tỷ lệ có thể nâng lên ở mức 65% thì có thể coi đó là DNNN.
Phát biểu ý kiến về nội dung này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng việc quy định tỷ lệ vốn nhà nước chiếm giữ trên 50% là DNNN. Theo đại biểu, quy định này chưa thể hiện được vai trò chi phối và quyết định của nhà nước với các vấn đề quan trọng, bảo đảm quyền hài hòa, đóng góp của các cổ đông khác, nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp.
“Nếu chọn phương án nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ, nếu áp dụng thì chúng ta áp dụng một số đối tượng doanh nghiệp và cần phải có đánh giá kỹ tác động trước khi tổ chức thực hiện”, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề xuất.
 |
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội. |
Còn đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) thì cho rằng, việc sửa đổi về khái niệm DNNN như dự thảo sẽ liên quan đến nhiều luật, nghị quyết của Quốc hội. Do đó việc sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.
“Tôi đề nghị cần xác định hiện tại số DNNN mà nhà nước đang nắm giữ 50% vốn sở hữu trở lên; có đánh giá tác động cụ thể các đối tượng chịu tác động trực tiếp. Phải bảo đảm nguyên tắc không tác động xấu, ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bảo đảm công khai minh bạch, phân biệt rạch ròi quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp, không để thất thoát vốn nhà nước, quy định rõ chế tài chức vụ chức danh của cán bộ quản lý trong DNNN", đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị.
Sau đó, giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khi trong quá trình soạn thảo, cơ quan soạn thảo cũng đã đưa ra rất nhiều phương án, đó là hơn 35%, hơn 50% và hơn 65%, cuối cùng thống nhất phương án tối ưu nhất chúng tôi lựa chọn, đó là hơn 50%. Tỷ lệ này cũng đã bảo đảm được quyền chi phối của nhà nước nhưng nó lại không tương thích với hệ thống pháp luật hiện nay và phù hợp với các cam kết quốc tế mà chúng ta đã tham gia, không ảnh hưởng gì lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ các ý kiến trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết phần hoạt động của các loại hình doanh nghiệp. Theo đó có thể chia làm 2 loại: Một loại là 100% của nhà nước với quy định riêng; một loại là từ 50% trở lên cũng có quy định riêng, bảo đảm hoạt động bình thường và không ảnh hưởng đến các cổ đông và vẫn bảo đảm tiến trình cổ phần hóa....
NGUYỄN THẢO