Có người lo lắng về những mặt hạn chế của giới trẻ và tình yêu thời @, "yêu phàm, sống vội" theo kiểu "mì ăn liền", so đo về thu nhập và của cải... nhưng những chuyện tình "người thật, việc thật" được kể dưới đây chứng tỏ một giá trị đẹp, tiếp cho chúng ta thêm niềm tin về những người trẻ: họ biết lội ngược dòng… duyên phận để cùng nhau “tấu” lên bản hòa ca chiến thắng trong tình yêu đôi lứa.

Tay không xây "lâu đài hạnh phúc"

Tình yêu thời nào cũng có sức mạnh mà chỉ có những người trong cuộc mới cảm nhận được nó một cách rõ ràng. Nhiều người đang lo ngại cho một làn sóng yêu thực dụng, nơi phủ nhận những giá trị chân chính của tình yêu... Nhưng tình yêu thì muôn đời vẫn vậy cho dù hình thức thể hiện và con đường từ ánh mắt đến trái tim có thể khác đi.

Phút tâm tình của người lính biển.

“Nếu chỉ nghĩ tới hoàn cảnh hiện tại, tớ sẽ chẳng dám ngỏ lời yêu cô ấy” - đó là suy nghĩ của Việt Hùng – chàng sinh viên khóa 45 - Trường đại học Sư phạm I khi tâm sự về mối tình của mình. Bây giờ thì qua bao tháng ngày “bĩ cực”, hạnh phúc đã đến với đôi trai tài gái cũng tài sắc ấy. Mối tình của họ chứng tỏ một chân lý luôn trường tồn trong tình yêu đích thực: Trái tim vàng đâu sợ túp lều tranh.

Việt Hùng sinh ra trong một gia đình nghèo nhất của vùng quê nghèo Đa Tân (Thanh Hóa). Mẹ mất sớm, đằng sau Hùng còn mấy em nhỏ. Người cha chắt chiu gửi cho anh mỗi tháng 100.000 đồng để học đại học – số tiền không đủ thuê nhà. Hùng tự vật lộn để kiếm tiền ăn học. Còn Thùy Trang – khi ấy là "hoa khôi" của khoa, quê Quảng Bình chang chang cồn cát, gia đình cũng rất tùng tiệm mới đủ tiền để Trang chi phí chuyện học hành.

Hai sinh viên nghèo, đến với nhau bắt đầu từ sự cảm thông. Tưởng như là câu chuyện đùa của "cổ tích thế kỷ 21". Họ đã "thách cưới" bằng học bổng. Cả hai đều là những sinh viên giỏi của khoa Sinh 45 và tình yêu như giúp họ thăng hoa trên con đường lập nghiệp. Họ "đoạt" được học bổng du học tại Pháp bằng kinh phí của Nhà nước đài thọ. Tốt nghiệp đại học, Thùy Trang trở về nước tìm việc làm, còn Việt Hùng tiếp tục ở lại học lấy bằng thạc sĩ. Sự xa cách, lại một lần nữa "như cơn gió thổi" khiến tình yêu của họ thêm sức mạnh.

Ở nước Pháp - để có tiền học cao học, Hùng đã phải nhận làm thêm đủ việc: bảo vệ bệnh viện, làm lao công trong trường đại học. Học xong thạc sĩ, Hùng học tiếp chương trình tiến sĩ. Thời gian hơn 4 năm đằng đẵng, Thùy Trang sống giữa đất Hà Thành có biết bao chàng trai theo đuổi, nhưng cô vẫn một lòng chờ đợi. Họ đã làm lễ cưới và Trang cũng thi đỗ lớp nghiên cứu sinh tại Bun-ga-ri. Việt Hùng đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ ở tuổi 27, hiện anh ở lại Pháp làm việc để vừa "chăm cho vợ học và tích lũy kinh nghiệm để sau này cùng về phục vụ đất nước". Từ "tay không" chinh phục "hoa khôi", nay Hùng đã có trong tay một “lâu đài hạnh phúc” vững bền.

Vượt lên mọi thách thức

Chuyện tình giữa Thủy và Thắng lại đầy những gian truân, thử thách. Họ yêu nhau khi cùng là sinh viên của Đại học Sư phạm Huế. Thủy là cô gái miền biển trong khi Thắng là chàng trai vùng sơn cước (Thị trấn Đắc Rông – Quảng Trị). Mối tình của họ, mới nghe đã thấy khó thành do khoảng cách địa lý khá xa. Hơn nữa, trong tình yêu mà con gái lớn tuổi hơn con trai, nữ học đại học còn trai chỉ… cao đẳng xem ra "đã khó lại càng khó".

Mặc cho những ngờ vực của bạn bè, những lo lắng của hai bên gia đình, họ vẫn đến với nhau. Tình yêu suốt mấy năm sinh viên của họ được dự đoán sẽ kết thúc khi chàng tốt nghiệp trước và về quê nhận công tác. Năm cuối của đại học, bạn bè không nhắc đến "chuyện của họ" nữa vì chỉ sợ Thủy... buồn. Không ngờ, đúng ngày Thủy tốt nghiệp, Thắng xuất hiện trong sự ngỡ ngàng của bạn bè và nàng đã lên xe theo chàng về với Đắc Rông.

Bây giờ, đến trường Trung học phổ thông Đắc Rông gặp cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thủy đang rạng ngời hạnh phúc, mấy ai biết cô gái này đã đến Đắc Rông như thế nào. Mối tình của họ, càng làm tăng niềm tin vào câu ca dao: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”. Không những vậy, họ còn minh chứng cho điều muôn thuở của tình yêu: Cho dù đũa lệch cũng so cho bằng. Còn đây, tôi xin trích nguyên văn lời một bài báo đã đăng trên "Tuổi trẻ với Tổ quốc" (báo Quân đội nhân dân) về trường hợp người thanh niên tật nguyền Đào Thanh Hương: “Nỗi buồn của Hương, nỗi buồn mà ai cũng có thể san sẻ nhưng không dễ chia đôi cho một người nào đó”. Chẳng là, bố Hương bị nhiễm chất độc da cam trong thời gian tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vượt lên số phận, Hương thi đỗ đại học, trở thành một giáo viên giỏi của Trường trung học phổ thông Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Nhiều lúc trái tim thanh xuân rạo rực trước tình yêu, Hương chỉ biết ôm nỗi niềm sâu kín ấy vào lòng vì nghĩ rằng trên đời này chẳng ai chia sẻ với một chàng trai tật nguyền như mình. Cô giáo trẻ Lan Hương (dạy cùng trường) đã giúp anh vượt qua sự tự ti ấy.

Tình yêu của họ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình Lan Hương. Ngay trong bạn bè đồng nghiệp cũng lo Hương không đủ nghị lực để đưa tình yêu của hai người đến bến bờ hạnh phúc. Vậy mà, vượt lên mọi rào cản và từ chối mọi sự “quan tâm” của những chàng trai khác, Lan Hương đã đồng ý làm vợ Thanh Hương trong sự ngạc nhiên xen lẫn chút nghi ngờ của mọi người. Tình yêu của họ càng thêm ấm nồng khi mới đây, Lan Hương đã sinh cho Thanh Hương cô con gái đầu lòng rất xinh xắn bụ bẫm.

Trong câu nói "cửa miệng" của nhiều người hiện nay, tình yêu của thế hệ @ có điều gì đó thật đáng báo động. Quả thực, lối sống của thế hệ 8X, 9X đang tồn tại những mặt trái cần phải uốn nắn. Tuy nhiên, chân giá trị của tình yêu chắc sẽ không bao giờ thay đổi.

Bài và ảnh: HƯƠNG VÂN