Phát triển giao thông công cộng không những giảm ùn tắc mà còn giảm khí thải (Ảnh: VNN)

Sự gia tăng chóng mặt của phương tiện giao thông cá nhân tại các đô thị lớn trong thời gian qua không chỉ gây ra vấn nạn kẹt xe, tắc đường mà hệ lụy của nó còn là vấn đề ô nhiễm khí thải đến mức báo động. Nhằm hạn chế vấn đề này, tới đây, Bộ GTVT sẽ đưa ra bàn thảo và trình Chính phủ xem xét.

Trước thềm hội thảo (sẽ diễn ra vào ngày 22-1-2008), VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Dương Tùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc&Thông tin môi trường vềmột số giải pháp cho vấn đề này.

- Là một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, ông nghĩ thế nào khi mà tới bây giờ, vấn đề kiểm soát khí thải ô tô, xe máy mới được đưa ra bàn thảo?

Qua những con số thống kê của các ngành liên quan như: Ở Hà Nội, mỗi chiếc ô tô chỉ có 1,85m để xê dịch, xe máy chỉ có 17cm để lưu thông; lượng bụi mịn độc hại (PM10) ở Hà Nội và TP. HCM cao gấp 1,5-2 lần so với tiêu chuẩn cho phép... cho thấy tình hình ô nhiễm môi trường nói chung và tình hình ô nhiễm khí thải ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đã đến mức "nóng"!

Trong tháng 2/2008, Trung tâm Quan trắc& TTMT cũng sẽ công bố một báo cáo chi tiết về khí thải và mức độ ô nhiễm khí thải để có cái nhìn chính xác, đầy đủ hơn về tình hình này.

Theo tôi, việc đặt vấn đề kiểm soát khí thải ô tô, xe máy lúc này là rất cần thiết (nếu không muốn nói là muộn)! Và đó là điều đáng mừng.

- Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm khí thải ô tô, xe máy?

Tất nhiên, sự tăng nhanh số lượng phương tiện là điều dễ thấy và ảnh hưởng trực tiếp. Hiện, riêng Hà Nội và TP.HCM có khoảng 7 triệu xe máy. Đi đôi với số lượng xe nhiều là mật độ phương tiện ở mức quá cao.

Tuy nhiên, không thể "đổ lỗi" cho tất cả 7 triệu xe máy này. Cái chính là phải "quy trách nhiệm" cho những xe máy cũ, xe kém chất lượng, xe không được bảo dưỡng thường xuyên, định kì, đúng quy cách.

Điều này là bởi trong một thời gian dài trước đây chúng ta không kiểm soát chất lượng đầu ra của xe chặt chẽ. Mãi gần đây chúng ta mới chú ý đến, bắt đầu kiểm tra tiêu chuẩn đầu ra của xe mới sản xuất.

Một nguyên nhân nữa không thể không nhắc đến là nhiêu liệu mà ô tô, xe máy đang sử dụng. Nếu nhiên liệu sạch (xe chạy bằng ga) hoặc xăng có hàm lượng chì thấp sẽ giảm thiểu ô nhiễm khí thải.

- Nhưng thưa ông, trong khi việc sử dụng nhiên liệu sạch vẫn đang "khan hiếm", mà mỗi ngày, riêng Hà Nội có 1000 xe máy đăng kí mới và ở TP.HCM, con số này còn lớn hơn, cũng có nghĩa là tình hình ô nhiễm khí thải vẫn còn "nóng" dài dài?

Xe máy hiện đáp ứng hơn 90% nhu cầu đi lại của người dân. Và trong 5 năm tới, tình trạng này e rằng... vẫn như thế!

Vì thế, chúng ta phải đặt ra chuyện hạn chế khí thải dần dần, cả những biện pháp cấp bách và ở tầm xa hơn!

- Cụ thể đó là những giải pháp nào, thưa ông?

Cái này, các chuyên gia sẽ bàn trong những hội thảo tới, nhưng với kinh nghiệm và quan điểm cá nhân, tôi có thể điểm qua những giải pháp như:

* Nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm giảm khí thải xe máy; khuyến khích họ có chế độ bảo dưỡng, kiểm tra xe định kì, thường xuyên.

*Khuyến khích người đi xe lắp bộ ca-ta-lit giảm khí thải ở ống bô xe máy.

* Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất bộ ca-ta-lit để bán giá rẻ cho dân.

* Nhà nước tăng cường quản lí chất lượng xe nhập khẩu, kiểm tra chất lượng nhiên liệu, nâng cao chất lượng nhiên liệu (xăng dầu).

* Câu chuyện lắp ca-ta-lit cách đây 4, 5 năm trước là một ví dụ: hồi đó, hàm lượng chì trong xăng cao nên ca-ta-lit không có tác dụng. Nhưng nay, hàm lượng chì trong xăng giảm, nhiều nguồn nhiên liệu sạch như ga bắt đầu được thí điểm sử dụng cho xe... nên ca-ta-lit sẽ có tác dụng trước mắt rất rõ.

* Nhà nước hạn chế xe cũ, có lộ trình giảm tiến tới cấm xe lâu năm, quá đát.

* Xa hơn, việc xây dựng những thành phố vệ tinh, những tuyến Mê trô, giãn dân ra vùng ven sẽ góp phần phân bố lại mật độ phương tiện, giúp kéo giảm lượng khí thải tập trung các đô thị lớn

Như vậy, có nhiều cách để "lồng ghép" cùng các giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở những thành phố lớn hiện nay?

Đúng vậy, vì cả hai đều liên quan trực tiếp đến phương tiện giao thông.

Một ví dụ rõ mà chúng ta có thể "lồng ghép" làm ngay là, trong năm 2008, Nhà nước sẽ thay thế nhiều xe buýt khổ lớn để giảm ùn tắc. Hiện nay, trên thị trường có loại xe buýt Mercedes đảm bảo tiêu chuẩn Euro 2, Euro 3 về khí thải mà những nước có môi trường sạch như Đức từng áp dụng. Dù bây giờ, tiêu chuẩn của họ đã là Euro 5 (tiêu chuẩn cao nhất về khí thải) nhưng trong vài năm tới, nước ta khó mà chạm được tiêu chuẩn Euro 2, 3 này!

Và chỉ khi đạt được những tiêu chuẩn này thì chúng ta mới mong áp dụng tiếp những biện pháp như "Tax" (thuế) nhiên liệu: khi anh mua 1 lít xăng, anh sẽ phải đóng thêm tiền thuế nhiên liệu (hay là phí phương tiện cá nhân vì môi trường), ngoài khoản tiền trả theo đơn giá 1 lít xăng, mà nhiều nước châu Âu đang thực hiện.

Hiện tại, ngoài Luật Môi trường 2005, Bộ TNMT&Biển đang xây dựng luật không khí sạch và chương trình quản lí chất lượng không khí.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Vnn