Giáo sư Trần Văn Khê cho rằng, thói quen sử dụng phổ biến các bài hát nước ngoài vào dịp lễ lạt khiến nhiều bạn trẻ Việt quên rằng âm nhạc của ta rất phong phú và thú vị. Ông nói, việc giữ gìn bản sắc cũng là cách bày tỏ lòng yêu nước.
Ông có buổi buổi trò chuyện ấm cúng với các bạn trẻ tại nhà riêng, chiều 5-6. Buổi trò chuyện nằm trong buổi trao chứng chỉ tốt nghiệp cho 20 học viên lớp Tổ chức sự kiện do đạo diễn Lê Quý Dương thực hiện. GS Khê vốn là Chủ tịch hội đồng nghệ thuật, phụ trách bộ môn Văn hóa nghệ thuật dân tộc tại Trung tâm đào tạo của đạo diễn Lê Quý Dương. Vì thế, ông có nhiều cơ hội tiếp xúc, trò chuyện cùng các bạn trẻ, mang đến cho họ những bài học hay về văn hóa Việt.
 |
GS - TS Trần Văn Khê trao bằng cho một bạn trẻ của lớp tổ chức sự kiện.
|
Tại buổi lễ trao bằng, ông cho rằng, lớp học tổ chức sự kiện rất quan trọng bởi hiện nay, cuộc sống ngày càng phát triển và ngày càng có những lễ hội, sự kiện gắn liền với hoạt động văn hóa, xã hội của người Việt. Qua đó thể hiện sự giao thương, hợp tác của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Theo GS Khê, người nước ngoài có thể nhìn vào cách tổ chức một sự kiện, dù lớn hay nhỏ để từ đó đưa ra nhận định về cung cách làm việc của người Việt.
"Ngày còn trẻ, tôi rất dễ choáng ngợp và yêu thích văn hóa Âu, Mỹ, từ âm nhạc đến cách thức ứng xử, giao tiếp. Nhưng khi càng lớn tuổi, tôi nghiệm ra rằng, điều quan trọng nhất là dù làm gì, ở đâu mỗi người Việt phải giữ được nét văn hóa gắn liền với bản sắc dân tộc mình", ông nói.
Giáo sư kể, thời thanh niên khi sống ở nước ngoài, ông thích chơi nhạc Tây vào các buổi tham gia sinh hoạt văn nghệ hoặc tổ chức sinh nhật, dịp cưới hỏi... "Một lần, có người bạn của tôi chợt nhận ra: 'Tại sao cứ mỗi dịp sinh nhật của người Việt chúng ta lại cứ hát Happy Birthday mà không phải là một bài hát nào khác do chính người mình sáng tác?' Nghĩ là làm, chúng tôi cùng đặt ra một ca khúc có lời rất vui dựa trên làn điệu dân ca Việt. Sau đấy, cứ mỗi lần họp mặt, thay vì hát nhạc nước ngoài, tôi và các bạn lại hát ca khúc đó", ông nói rồi hào hứng hát lại.
Sự hóm hỉnh và chân tình của ông khiến buổi nói chuyện trở nên sinh động và ấm cúng. Tham gia buổi này còn có nhà biên kịch Lê Duy Hạnh, nhạc sĩ Thế Bảo và cả hai đều đồng tình với suy nghĩ của GS Khê.
"Tôi nghĩ, việc mỗi bạn trẻ có ý thức giữ gìn nét đẹp trong văn hóa ứng xử, giao tiếp của người Việt cho thấy được tấm lòng yêu nước của họ", nhạc sĩ Thế Bảo nói.
Tuy tuổi cao, sức yếu, vừa qua GS - TS Trần Văn Khê cũng đã đến với các học sinh của nhiều trường ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Long An, Nha Trang... để nói chuyện với các em về văn hóa ứng xử học đường.
Theo VnExpress