Luật Du lịch được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua vào năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2006 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch năm 1999.

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau 10 năm thi hành, Luật Du lịch đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và sự phát triển của ngành du lịch. Luật Du lịch đã tạo ra bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức về quản lý và phát triển du lịch. Từ chỗ du lịch chỉ được coi là hoạt động phục vụ nghỉ dưỡng đơn thuần, đến nay đã được xác định là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và được định hướng phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để tập trung nguồn lực đầu tư của xã hội, góp phần hình thành hệ thống sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư lớn vào một số khu vực trọng điểm của du lịch Việt Nam như Quảng Ninh (Hạ Long), Đà Nẵng, Quảng Nam (Hội An), Kiên Giang (Phú Quốc), Khánh Hòa (Nha Trang)... với các dự án có quy mô lớn, tạo ra động lực, đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của cả vùng. Qua đó, góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại; thúc đẩy giao lưu, hợp tác du lịch giữa Việt Nam với các nước trên thế giới...

leftcenterrightdel
Phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Quá trình triển khai luật đã phát sinh nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hoạt động và sự phát triển của ngành du lịch, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Nổi lên là, quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ đã làm nhiều quy định của Luật Du lịch về chính sách phát triển du lịch, quy hoạch du lịch, khu du lịch, tuyến du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch, kinh doanh du lịch, xúc tiến du lịch,… không còn phù hợp và thiếu tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành, đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu sửa đổi toàn diện. Một số nội dung quy định trong Luật Du lịch chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu khác nhau, hoặc thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, triển khai trên thực tế. Bên cạnh đó, quy định của Luật Du lịch về cơ sở lưu trú du lịch còn có bất cập, hạn chế khi có một số loại hình lưu trú mới xuất hiện nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh. Điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa tại Luật Du lịch được quy định đơn giản hơn so với điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế, không cần giấy phép, không cần tiền ký quỹ. Đây là một trong những nguyên nhân chính tạo ra sự bất bình đẳng, sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách du lịch là công dân Việt Nam thấp hơn cho khách du lịch là người nước ngoài, hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa thiếu trật tự, quyền lợi cho khách du lịch chưa được bảo đảm.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, việc xây dựng Luật Du lịch (sửa đổi) nhằm bảo đảm tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động du lịch, nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về du lịch, tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Tại phần thảo luận, các đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Du lịch nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối của Đảng về phát triển du lịch; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành làm cơ sở thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, Luật Du lịch (sửa đổi) phải khẳng định vai trò du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính xã hội cao; phát triển có trọng tâm, trọng điểm đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương.

Các đại biểu cho rằng, Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách xây dựng du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ trương này đòi hỏi ngành du lịch trong thời gian tới phải có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng. Để bảo đảm thực hiện điều đó, cần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: TTXVN.

Đánh giá du lịch của nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề: Biển, rừng của nước ta không thua kém nước nào, nhưng ít khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam hoặc đến một lần rồi đi? Do đó, luật cần sửa đổi và giải quyết được vấn đề để làm sao sau khi luật sửa đổi phải thu hút được nhiều khách du lịch đến hoặc quay lại đất nước mình, phát triển ngành “công nghiệp không khói” còn tiềm ẩn nhiều tiềm năng để phát triển. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần có chính sách quảng bá về du lịch của đất nước thông qua văn hóa và khẳng định du lịch muốn phát triển không thể tách rời văn hóa.

Còn Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều so với Luật Du lịch hiện hành là sự sửa đổi lớn; tuy nhiên Phó chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn bởi những nội dung sửa đổi này đã đáp ứng được yêu cầu đề ra là xây dựng du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đã tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành kinh tế tổng hợp hay chưa? Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị dự án Luật cần có các quy định cụ thể hơn trong việc xử lý các hành vi tiêu cực trong hoạt động du lịch; có liệt kê cụ thể hơn về danh mục các hành vi tiêu cực trong du lịch bởi mới liệt kê một số hành vi như tranh giành khách, chèn ép khách... như trong dự thảo Luật là chưa đủ.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc ban soạn thảo giải thích “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá một năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác" là chưa thỏa đáng. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, ban soạn thảo vẫn kế thừa khái niệm “cũ” về du lịch; nếu quy định du lịch chỉ là thế thì du lịch chưa thể là ngành tổng hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, khái niệm du lịch phải mở ra với tính chất là một ngành kinh tế tổng hợp gắn với văn hóa và tính xã hội hóa, hội nhập rất cao, khái niệm ngành du lịch phải rất rộng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, dự án Luật phải khẳng định được du lịch là ngành kinh tế tổng hợp; phải phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng đề nghị cần tạo các điều kiện thuận lợi cho du khách tự do đi lại để tham quan, du lịch theo đúng quy định của pháp luật, cũng như phải có thông tin, hướng dẫn cụ thể đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Điều này để tránh tình trạng do thiếu thông tin mà du khách có những hành động hoặc cách ứng xử không phù hợp về các vấn đề liên quan đến thuần phong, mĩ tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo ở các vùng, miền.

Cho rằng một số dịch vụ kinh doanh du lịch trong thời gian qua như chèo kéo, tranh giành khách... đang ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch ở nước ta, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong du lịch; tập trung tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” về du lịch và tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính du lịch cho du khách...

Lấy dẫn chứng về một người dân địa phương khi cho biết: “Nếu một năm có 2 đoàn khách du lịch, mỗi đoàn khoảng 10 người, đến ở trong khoảng thời gian một tuần, thì thu nhập bằng làm nông nghiệp cả năm”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, có thể gắn phát triển du lịch với xóa đói, giảm nghèo bền vững, bởi tiềm năng du lịch ở nhiều vùng là rất lớn, nếu khai thác tốt thì vừa phát triển được du lịch địa phương, vừa kết hợp xóa đói giảm nghèo bền vững.

Cho rằng hoạt động du lịch là một hoạt động hết sức đa dạng, phong phú và du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, cần làm rõ tính liên ngành, liên vùng của hoạt động du lịch cũng như tính xã hội hóa cao của hoạt động này. Đồng thời, có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động của cộng đồng làm du lịch, hướng dẫn người dân làm du lịch, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam tới du khách và bạn bè quốc tế, hướng đến cái "đích" trong phát triển du lịch.

NGUYỄN THẢO