Chương trình phổ thông phải nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ dạy, dễ học

Đề cập đến chất lượng và phương pháp dạy học, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, hiện nay chất lượng dạy học còn chưa cao, rất chậm đổi mới, nhẹ dạy kỹ năng sống, đào tạo làm người và hướng nghiệp. Chương trình sách giáo khoa hiện quá nặng, khó tiếp thu. “Chúng ta hình như đang phức tạp hóa vấn đề đơn giản, ví dụ học sinh lớp 1 chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc, biết viết; học sinh trung học chỉ cần học kiến thức phổ thông nhưng hiện nay chúng ta đang hàn lâm hóa những kiến thức đó và những điều rất đơn giản trở thành rất phức tạp, rối rắm nên học sinh rất khó tiếp thu”, đại biểu nói.

Quang cảnh phiên họp sáng 15-11. Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu tỉnh Phú Thọ, vấn đề này có một phần nguyên nhân xuất phát từ người lớn. “Người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhét vào đầu óc non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành gánh nặng, áp lực quá lớn, một bộ phận không nhỏ trẻ sợ học, không thích học và chán học. Đặc biệt, tâm lý phụ huynh muốn con mình trở thành “con nhà người ta” nên bắt các cháu phải giỏi, giỏi toàn diện một cách quá sức, dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực và sở trường của trẻ em. “Tôi cho rằng không thể bắt trẻ học để trở thành “ông nọ, bà kia” khi các cháu không thích, không đủ năng lực. Thử hỏi đã mấy học sinh giỏi văn quốc gia trở thành nhà văn, nhà thơ lớn”, đại biểu nói và cho rằng cần dạy và định hướng để học sinh phát huy năng lực của bản thân một cách hợp lý nhất.

Về chương trình sách giáo khoa, đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng cần rà soát và điều chỉnh kỹ lưỡng. Theo đại biểu, cử tri và nhiều giáo viên, phụ huynh muốn cả nước có một chương trình sách giáo khoa thống nhất bởi nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, còn lại là sách tham khảo, sách nâng cao.

Bên cạnh đó, đại biểu Cao Đình Thưởng cũng cho rằng sách giáo khoa phải được kiểm soát, thẩm định hết sức chặt chẽ, nội dung sách giáo khoa phải tinh gọn, mang bản sắc Việt Nam và hiện đại theo chuẩn quốc tế; chương trình phổ thông phải nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ dạy, dễ học. “Đặc biệt, tôi cho rằng người viết sách giáo khoa phải thực sự giỏi, am hiểu sâu sắc về nội dung, chương trình và tâm lý sư phạm. Nên chăng phát động cuộc thi viết sách giáo khoa trong giáo viên phổ thông để sách giáo khoa không bị hàn lâm hóa, giáo sư hóa, tiến sĩ hóa?”, đại biểu đặt vấn đề.

Vẫn theo đại biểu, nếu quá nhiều bộ sách giáo khoa thì sẽ rất khó quản lý, khó lựa chọn, khó dạy thống nhất và rất dễ dẫn đến loạn sách giáo khoa, lúc đó giáo dục sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, hậu quả là khôn lường.

Liên quan đến chương trình học, nhiều đại biểu cho rằng, cần thay đổi tư duy cũng như việc tiếp cận đối với xây dựng chương trình giáo dục và quy định cụ thể trong dự thảo luật về các môn học, thời lượng từng môn học, yêu cầu và kiến thức chính cần đạt được của từng bậc học, cấp học. Đối với giáo dục từ trung học cơ sở trở xuống, chương trình giáo dục cần có tính ổn định cao, truyền tải được kiến thức cơ bản, chương trình bảo đảm vừa đủ, không quá tải, không chỉ tập trung vào kiến thức lý thuyết mà còn cần có dư địa để học sinh có thể tham gia được vào các môn văn-thể-mỹ, rèn luyện được kỹ năng sống, bảo đảm sự phát triển toàn diện của học sinh. Đối với giáo dục trung học phổ thông, chương trình giáo dục cần có định hướng nghề nghiệp, quy định cụ thể các môn học, kiến thức nào là cơ bản, bắt buộc, môn học, kiến thức nào có thể tự lựa chọn, phù hợp với khả năng để định hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai của các em...

Giáo dục, nuôi dưỡng phải đi đôi với bảo vệ trẻ mầm non 

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (TP Đà Nẵng) quan tâm đến giáo dục mầm non. Điều 21 dự thảo luật quy định: Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi. Đại biểu cho rằng, việc xác định như trên là chưa đầy đủ, mà cần phải bổ sung thêm việc bảo vệ đối với trẻ em mầm non, đặc biệt là đối với nhóm trẻ ở độ tuổi từ 3 tháng đến 3 tuổi. Bởi lẽ, những năm gần đây, tình trạng bạo lực xảy ra đối với trẻ em mầm non ngày càng nhiều, có những sự việc khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Nhấn mạnh giáo dục mầm non là nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai, đại biểu cho rằng việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phải đi đôi với việc bảo vệ trẻ em. "Trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như sự phát triển lâu dài của trẻ, do đó đề nghị ban soạn thảo bổ sung việc bảo vệ bên cạnh việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, để những người làm công tác giáo dục và cấp chính quyền có nhận thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ bảo vệ các em trước nguy cơ bạo lực, xâm hại", đại biểu nhấn mạnh. 

Về trình độ chuẩn giáo viên mầm non, điểm a khoản 1 điều 72 quy định nâng chuẩn từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non. Đại biểu Yến cho rằng, việc nâng chuẩn giáo viên là mong muốn để nâng chuẩn giáo dục, tuy nhiên, cần tính đến khả năng và sự phù hợp của quy định, bởi lẽ, ở những địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng hải đảo..., việc thiếu giáo viên có trình độ đạt chuẩn còn phổ biến. Cùng với đó, xã hội cũng đang rất lo ngại việc “chạy” thêm bằng cấp mà chưa chú trọng đến năng lực và chất lượng nghề; đối với giáo dục mầm non, đối tượng là trẻ mầm non trong độ tuổi 3 tháng đến 6 tuổi, được chia thành 2 giai đoạn: Nhà trẻ (3 tháng đến 3 tuổi), mẫu giáo (3 tuổi-6 tuổi), như vậy giáo dục mầm non nhận trẻ trong độ tuổi rộng, mỗi giai đoạn lại đòi hỏi rất khác nhau về nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cũng như trình độ giáo viên... Do đó, đại biểu nhấn mạnh không nhất thiết phải nâng chuẩn toàn bộ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng mà nên có sự bồi dưỡng theo chuyên đề đối với từng độ tuổi chăm sóc trẻ cho các giáo viên đang phụ trách từng lứa tuổi tương ứng. Điều này giảm áp lực cho ngành giáo dục khi cùng một thời gian ngắn, phải nâng chuẩn cho giáo viên tiểu học, đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình sách giáo khoa mới...

Đầu tư hơn đối với việc phân luồng giáo dục

Đại biểu Lê Quân (TP Hà Nội) góp ý về nội dung phân luồng trong giáo dục. Theo đại biểu, từ năm 2011, chỉ thị của Bộ Chính trị cũng như quyết định của Thủ tướng Chính phủ gần đây có nêu mục tiêu đến năm 2020 chúng ta phải đạt 30% học sinh trung học cơ sở vào học nghề và đến năm 2025, chúng ta phải đạt 40%. Đến nay, tỷ lệ này là 8-10%. Một số địa phương là "điểm sáng" như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Khánh Hòa... có tỷ lệ khoảng 25%, song đa phần tỷ lệ này ở các địa phương khác khá thấp; việc phân luồng chưa gắn với việc đào tạo, giải quyết việc làm.

Đặc biệt, theo đại biểu, các địa phương thường đầu tư chú trọng vào các trường chuyên, lớp chọn song lại ít quan tâm đến một đối tượng rất quan trọng: Các em 15 tuổi nhưng không có khả năng theo học trung học phổ thông. Hiện nay, các em này dường như ít được quan tâm nên tình trạng bỏ học ở độ tuổi này khá nhiều.

Do đó, đại biểu cho rằng, cần quan tâm đầu tư hơn đối với việc phân luồng. Đại biểu dẫn chứng ở nhiều nước trên thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh...), học sinh kết thúc trung học cơ sở đi học nghề luôn thì khi 18-19 tuổi, các em đã gia nhập thị trường lao động, làm việc gần nhà, giải quyết rất nhiều vấn đề về lao động, sau đó, các em có thể học liên thông để lấy bằng đại học... “Đó là mô hình rất thành công, do đó, nếu tổ chức phân luồng tốt sẽ tạo điều kiện cho con em nhà nghèo, vùng dân tộc thiểu số...ở nước ta", đại biểu đề xuất.

Ngoài ra, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, việc thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, học phí... cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận sôi nổi. Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ tiếp tục được thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

THẢO NGUYÊN