Đáng chú ý, hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP (Điều 86) là nội dung được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm, thảo luận.

Một số ý kiến thống nhất với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 về việc Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP; một số ý kiến cho rằng dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công nên Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư tư nhân.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, bản chất là dự án nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án và đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật PPP và pháp luật có liên quan.

Do đó, cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ vướng với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước...

Do đó, dự kiến tiếp thu, sửa đổi bổ sung quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước thực hiện ở hai giai đoạn: Trước khi ký kết hợp đồng và sau khi ký kết hợp đồng.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN. 

Nêu quan điểm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu băn khoăn với quy định Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hồ sơ của dự án trước khi ký hợp đồng. Bởi lẽ, nội dung này chưa có tiền lệ, khó thực thi. Thông thường, việc kiểm toán chỉ được thực hiện sau khi dự án đã hoàn thành hoặc nếu kiểm toán thì sẽ kiểm toán từng phần của dự án. Đây là vấn đề cần xem lại thông lệ quốc tế, xem liệu có thực hiện được hay không.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cơ quan kiểm toán chưa thể đánh giá dự án nếu chỉ thẩm định hồ sơ hợp đồng. Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán trong các hoạt động có sự tham gia của tài chính công, tài sản công. Trong một dự án PPP, Nhà nước chỉ tham gia góp vốn 10% nhưng Kiểm toán Nhà nước làm hết thì không hợp lý, việc này phải giao cho đơn vị kiểm toán độc lập.

Ngoài ra, dự án luật cũng đưa vào nội dung hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: Đây là điều khó khả thi, bởi dự án PPP là những dự án đầu tư lớn, mang tầm cỡ quốc gia. Dự án PPP không giống như những công trình cấp xã, thôn, do đó, các tổ chức đoàn thể và nhân dân khó có thể kiểm tra, giám sát."

Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần đối chiếu với thông lệ quốc tế, bởi có một thực tế đang đặt ra là, nhiều doanh nghiệp không muốn làm BOT. “Chưa thực hiện dự án đã kiểm toán, làm xong lại kiểm toán lần nữa có thể gây phiền hà cho hoạt động của doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn rằng, khi đang kêu gọi, thu hút đầu tư mà lại đặt ra quá nhiều quy định thì liệu có khắt khe và có khả thi hay không. Dẫn chứng lại trước đây, chúng ta đã thu hút được khá nhiều BOT, nhưng do công tác quản lý yếu kém của ta đã dẫn đến sự phản ứng của nhân dân, khiến các dự án này chững lại, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề đặt ra với luật này là vừa bảo đảm quy định chặt chẽ, nhưng đồng thời phải thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư. 

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, đây là dự án luật khó, phức tạp, rất nhiều vướng mắc phát sinh nên cần thận trọng xem xét.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, dự án luật có nhiều nội dung đặc thù nhưng vẫn phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng thời cần tiếp tục được rà soát về lĩnh vực đầu tư; chính sách của Nhà nước, các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư cho hợp lý, bảo đảm quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đồng thời, làm rõ khi nào chia sẻ rủi ro, chia sẻ rủi ro ở mức nào, rủi ro nào nhà đầu tư phải chịu. Ngoài ra, vấn đề đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cũng cần xem xét kỹ, nhất là những vấn đề liên quan đến đất đai, quốc phòng-an ninh....

NGUYỄN THẢO