QĐND - Tỉnh Ninh Thuận có 47 xã thuộc 8 huyện, thị trấn. Theo kết quả điều tra thực trạng nông thôn của tỉnh Ninh Thuận, xét theo tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới (CTXDNTM), đến nay tỉnh mới chỉ có 9 xã đạt từ 1 đến 3 tiêu chí; 23 xã đạt được từ 4 đến 5 tiêu chí và 15 xã đạt từ 5 đến 8 tiêu chí/19 tiêu chí của chương trình. Kết quả điều tra cho thấy mặt bằng các tiêu chí để tỉnh Ninh Thuận thực hiện CTXDNTM so với nhiều địa phương khác trong cả nước là không cao. Làm thế nào để Ninh Thuận có thể thực hiện thành công CTXDNTM trong điều kiện xuất phát điểm thấp như vậy?
Chọn điểm yếu để đột phá
Thực hiện CTXDNTM trong điều kiện là một tỉnh nghèo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận đã xác định phải chọn điểm để đột phá, làm đến đâu, chắc đến đó, không triển khai dàn trải, chạy theo phong trào. Xuất phát từ quan điểm đó, Ban chỉ đạo CTXDNTM của tỉnh đã chọn 3 xã là xã Phước Thái, huyện Ninh Phước; xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn và xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải làm điểm, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện trong toàn tỉnh. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2015 có 11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới và đến năm 2020 là 24/47 xã đạt chuẩn theo tiêu chí của chương trình.
Chúng tôi đã đến xã Phước Thái, huyện Ninh Phước - một trong 3 xã được chọn làm điểm CTXDNTM của tỉnh Ninh Thuận để tìm hiểu thực tế. Xã Phước Thái có hơn 2.257 hộ, 11.500 nhân khẩu với hơn 80% dân số là đồng bào người Chăm và Rắc Lây. Phước Thái có diện tích tự nhiên gần 12.000ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp có 1.548ha, đất lâm nghiệp có trên 9.353ha. Đời sống người dân chủ yếu làm nông nghiệp, độc canh cây lúa. Phước Thái hiện còn 356 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,73%. Trong những năm qua, Phước Thái đã được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng quan trọng như các công trình điện, đường giao thông liên thôn, liên xã, trạm cấp nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế… phục vụ sinh họat, sản xuất của người dân.
 |
Cổng làng văn hóa thôn Như Ngọc do nhân dân đóng góp xây dựng.
|
Ông Đổng Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Phước Thái cho biết: Theo kết quả khảo sát, hiện nay Phước Thái mới đạt 7/19 tiêu chí. Để thực hiện thành công CTXDNTM, Nghị quyết của Đảng bộ xã đặt ra mục tiêu phấn đấu phải tăng thu nhập của người dân lên gấp 4 lần và chuyển dịch cơ cấu lao động từ 70% nông nghiệp xuống còn 30% vào năm 2015. Xã đã xác định các biện pháp như đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng khai thác lợi thế của địa phương để nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, chuyển đổi mô hình phát triển sản xuất, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo và giải quyết việc làm… Phước Thái đã thực hiện nhiều chương trình, dự án như “Cùng nông dân ra đồng”; “Chương trình 1 phải, 5 giảm”; Sản xuất lúa giống nguyên chủng; Mô hình nuôi heo nạc và heo bản địa cho bà con dân tộc Rắc Lây… với tổng số tiền đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Các mô hình này không chỉ giúp nông dân nâng cao năng suất lúa lên 20% mà quan trọng hơn còn là cơ sở để Phước Thái rút kinh nhiệm nhân rộng ra toàn xã, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Phước Thái là xã có hơn 80% đồng bào là người Chăm và Rắc Lây sinh sống. Do tập tục sinh hoạt của bà con dân tộc, đồng bào thường thả rông gia súc, gia cầm, gây mất vệ sinh. Thực hiện CTXDNTN, Phước Thái chọn điểm đột phá về công tác vệ sinh môi trường. Ông Quảng Kèo, Phó bí thư Đảng ủy xã Phước Thái cho biết: Để thay đổi được tập tục sinh hoạt lâu đời của người dân là điều không dễ dàng, nhưng Đảng ủy, UBND xã đã tích cực vận động tuyên truyền nhân dân thực hiện phong trào “4 không” gồm không xả rác, không thả rông gia súc, không thải nước xả ra đường và không sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Cuộc vận động này đã được 100% các hộ gia đình ký cam kết. Nhờ vậy tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải trong xã đã giải quyết được tới 90%.
Phát huy nội lực
Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Phước Thái hiện đã được người dân tích cực tham gia. Người dân Phước Thái đã hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để mở đường giao thông mà không nhận tiền bồi thường. Bà con còn đóng góp hơn 1 tỷ đồng xây dựng cổng làng, sửa chữa trường học, nhà trẻ. Bộ mặt nông thôn Phước Thái đang thay đổi từng ngày. Thực hiện CTXDNTM, Phước Thái đang tiến hành quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm và Rắc Lây…
 |
Người dân Phước Thái tham gia làm đường giao thông nông thôn. |
Về xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện CTXDNTM, Nhơn Sơn tập trung xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân địa phương với các doanh nghiệp. Xã đã có hơn 200ha đất sản xuất chuyên canh lúa giống mang lại hiệu quả cao nhờ liên kết với Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố, Công ty TNHH sản xuất giống Phương Nam... Thực hiện mô hình liên kết, nông dân không chỉ được chuyển giao kỹ thuật canh tác mới mà còn được bao tiêu sản phẩm với giá cao. Phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, Nhơn Sơn khuyến khích bà con nông dân đẩy mạnh chăn nuôi gia súc. Toàn xã hiện có đàn bò trên 5.700 con, đàn dê 3.450 con và đàn cừu gần 9.600 con. Nhờ giá dê, cừu thịt tăng nên thu nhập của bà con nông dân trong xã đã cải thiện đáng kể. Về cơ sở hạ tầng tuy Nhơn Sơn đã được đầu tư khá cơ bản, nhưng so với yêu cầu xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của Nhơn Sơn vẫn cần phải tiếp tục được đầu tư.
Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Thăng Long, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết: Thực hiện CTXDNTM, Ninh Thuận chọn điểm đột phá tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi như hồ, đập chứa nước, các kênh mương dẫn nước và các công trình hạ tầng thiết yếu khác để phục vụ sản xuất nông nghiệp và khuyến khích các địa phương tích cực chuyển đổi thực hiện các mô hình liên kết sản xuất để nâng cao đời sống của người dân. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện CTXDNTM của Ninh Thuận.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, kế hoạch phân bổ của Trung ương trong 2 năm 2011 và 2012, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của CTXDNTM cho Ninh Thuận chỉ được hơn 16 tỷ đồng. Qua kinh nghiệm của nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Ninh Thuận cần phát huy hơn nữa tính sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời phải biết tìm và huy động nhiều nguồn vốn khác nhau cho việc xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó phải đề cao việc phát huy nội lực, vận động nhân dân cùng góp công, góp của thì mới có thể tạo ra bước đột phá trong việc thực hiện CTXDNTM, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Ninh Thuận.
Bài và ảnh: Phạm Văn Mấy