Có kịch bản cho việc bùng phát dịch, nhất là với biến chủng Delta

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) nêu ý kiến tranh luận với đại biểu Đỗ Thị Lan (tỉnh Quảng Ninh). Đại biểu Đỗ Thị Lan trước đó khẳng định thực tế ở Quảng Ninh cho thấy, việc xây dựng kịch bản phòng chống dịch chi tiết, tổ chức thực hiện nghiêm túc các khâu kiểm soát, truy vết, khoanh vùng, cách ly, người dân, nắm bắt thông tin chỉ đạo hằng ngày giúp tỉnh không còn ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, cơ bản khống chế dịch trong địa bàn.

Tuy nhiên, đại biểu Hiếu cho rằng trong đợt dịch lần này, không thể lấy số ca nhiễm của một tỉnh làm tiêu chí thành công vì với biến chủng Delta hiện nay, “không thể nói trước được bất cứ điều gì”. "Có khi sáng thức dậy, tỉnh mình đã bùng phát mất rồi", đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định): Với biến chủng Delta hiện nay, “không thể nói trước được bất cứ điều gì”. Ảnh: VPQH

Theo đại biểu Hiếu, tiêu chí để chống dịch tốt trong giai đoạn hiện nay là có kịch bản đầy đủ cho việc tránh bùng phát dịch. Hiện 3 nguyên tắc chung cho cả nước để chống dịch là chống lây lan tối đa, giảm tử vong tối đa và bảo đảm phát triển kinh tế.

Phân tích về nguyên tắc giảm tử vong tối đa, đại biểu cho rằng, cần chia hệ thống chống dịch thành 3 tầng: Tầng 1 (đã làm từ đầu mùa dịch), bệnh viện dã chiến chăm sóc cho người nhiễm F0. Cách ly tập trung trong bệnh viện dã chiến cần thực hiện quy trình theo dõi nghiêm túc, bảo đảm điều kiện sinh hoạt. Nếu không thể làm vậy ở các vùng dịch bùng phát, có thể triển khai cách ly F0 tại nhà với các gói theo dõi, ứng dụng từ xa, đang được thực hiện ở Ấn Độ, Myanmar.

Tầng 2 là tầng đã triển khai rộng rãi nhiều năm là các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, điều trị các bệnh nhân mức độ vừa, chưa cần thở máy hay can thiệp lọc máu. “Tuyến này cần thiết nhất là đào tạo nhân viên y tế, nắm chắc các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế, đánh giá mức độ bệnh chính xác để chuyển tuyến không quá sớm hoặc quá muộn. Ngoài trang bị kiến thức, cần bổ sung cho tầng này máy oxy dòng cao, thuốc men trong danh mục điều trị Covid-19", đại biểu phân tích.

Tầng 3 - tầng quan trọng nhất nhưng theo đại biểu, hiện lại yếu nhất là các trung tâm điều trị các ca nặng, nguy kịch: "Cần khẩn trương hình thành các trung tâm này, chỉ nhận và điều trị các bệnh nhân cần thở máy, lọc máu hoặc hỗ trợ can thiệp ECMO. Nguồn lực của cả Trung ương, địa phương cần tập trung vào đây sao cho số giường ICU (dành cho chăm sóc đặc biệt) không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm ước tính", đại biểu nêu rõ. 

Giảm tối đa những điều kiện, biện pháp khác biệt

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) kiến nghị cần bổ sung nội dung tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, địa phương trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, áp dụng “nguyên tắc công nhận lẫn nhau” và công khai thông tin về các biện pháp phòng dịch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. 

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình): Việc phối hợp giữa các địa phương là nhằm giảm tối đa những điều kiện, biện pháp khác biệt, không cần thiết. Ảnh: VPQH

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, hiện nay, do bối cảnh dịch bệnh ở các địa phương khác nhau nên các biện pháp phòng, chống dịch rất khác nhau: Trong một hoàn cảnh nào đó, đây là các biện pháp cần thiết; nhưng sự khác biệt giữa các biện pháp phòng, chống dịch lại dẫn đến ùn tắc về việc lưu thông hàng hóa và con người. 

“Ngay lúc này, trên các tuyến đường quốc lộ vẫn đang ùn tắc hàng hóa. Việc phối hợp giữa các địa phương trong trường hợp này là nhằm giảm tối đa những điều kiện, biện pháp khác biệt, không cần thiết”, đại biểu nói.

Ngoài ra, nêu dẫn chứng về app (ứng dụng) đăng ký tiêm phòng vaccine phòng Covid-19, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, nếu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công khai các thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch, các chính sách hỗ trợ, thậm chí cho người dân đóng góp ý kiến, phản biện trực tiếp… qua các app thì có thể tăng niềm tin của người dân, tăng cường thông tin chính thống, thậm chí còn giảm bớt thông tin xuyên tạc, sai sự thật... 

PHƯƠNG HẰNG