Lấy con người làm trung tâm
GS Klaus Schwab được đánh giá là đã “ở trung tâm” của các vấn đề toàn cầu trong suốt hơn bốn thập kỷ qua. Ông tin rằng chúng ta chỉ đang ở giai đoạn đầu của một cuộc cách mạng mà về cơ bản đang thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và kết nối với nhau. Tất cả đều được ông khám phá trong cuốn sách Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do Bộ Ngoại giao chuyển ngữ sang tiếng Việt.
 |
GS Klaus Schwab (giữa) và Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn (bên trái) tại buổi họp báo. Ảnh: Trọng Hải
|
Những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã giải phóng con người khỏi sức mạnh của loài vật, tạo ra sản xuất hàng loạt và mang lại sức mạnh kỹ thuật số cho hàng tỷ người. Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) khác biệt về bản chất. Cuộc cách mạng này được hình thành bằng loạt công nghệ mới kết nối các thế giới vật chất, kỹ thuật số và sinh học, tác động đến tất cả mọi quy luật, nền kinh tế, ngành công nghiệp, và thậm chí thách thức cả định nghĩa về nhân loại. Kết quả là những thay đổi và đột phá báo hiệu chúng ta đang sống tại một thời điểm đầy hứa hẹn và rủi ro. Thế giới có tiềm năng kết nối hàng tỷ người với mạng lưới kỹ thuật số, cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của các tổ chức, thậm chí quản lý tài sản theo cách có thể tái tạo môi trường tự nhiên và loại bỏ thiệt hại của những cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.
 |
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Trọng Hải
|
Tuy nhiên, GS Klaus Schwab cũng đưa ra những lo ngại đáng chú ý: Các tổ chức có thể sẽ không thích ứng được; các chính phủ có khả năng không kịp thời tận dụng và quản lý các công nghệ mới để gặt hái lợi ích từ chúng; sự gia tăng bất bình đẳng và chia rẽ xã hội. GS Klaus Schwab đặt những thay đổi gần đây nhất vào bối cảnh lịch sử, chỉ ra những công nghệ chủ chốt đang chèo lái cuộc cách mạng này, thảo luận về những tác động chính lên các chính phủ, doanh nghiệp, xã hội dân sự và cá nhân; từ đó gợi ý cách thức đối phó. Trọng tâm phần phân tích của ông đặt ra niềm tin rằng CMCN 4.0 nằm trong tầm kiểm soát của tất cả chúng ta, miễn là chúng ta có khả năng cộng tác với nhau, vượt qua các khoảng cách địa lý, ngành và lĩnh vực, để nắm bắt các cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại. Đặc biệt, GS Klaus Schwab kêu gọi các nhà lãnh đạo và người dân “cùng nhau định hình một tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người bằng cách lấy con người làm trung tâm, trao quyền cho họ và không ngừng nhắc nhở chính mình rằng, tất cả những công nghệ mới này, trước hết và quan trọng nhất, là công cụ do con người tạo ra để phục vụ cho con người”.
 |
GS Klaus Schwab giới thiệu cuốn sách CMCN 4.0. Ảnh: Trọng Hải
|
Bằng việc thu thập, tổng hợp những ý tưởng, hiểu biết và trí tuệ từ mạng lưới toàn cầu những lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ, xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo trẻ của WEF, cuốn sách mang đến những nhìn nhận sâu sắc về tương lai đang dần hé lộ và cách thức để chúng ta có thể cùng chung tay đảm bảo rằng đó sẽ là một tương lai tích cực cho tất cả mọi người. “Không thể xem nhẹ tác động của CMCN 4.0 đối với các mô hình kinh doanh, nền kinh tế trên thế giới… Thông điệp ở đây là nếu các quốc gia trên thế giới bỏ lỡ chuyến tàu CMCN 4.0 thì sẽ thất bại…Tôi dành cuốn sách này cho người dân Việt Nam, hy vọng nó trở thành chất xúc tác, biến Việt Nam trở thành thế lực mới trong CMCN 4.0”, GS Klaus Schwab nhấn mạnh.
Việt Nam có cơ hội nắm bắt và khai thác ưu thế của CMCN 4.0
Trong khi đó, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng CMCN 4.0 tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống con người. “Không có một quốc gia nào là không bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng này”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
 |
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định cuốn sách là cẩm nang cho người Việt. Ảnh: Trọng Hải
|
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, cuốn sách của GS Klaus Schwab đưa ra tổng quan rõ ràng về những xu thế lớn, chia sẻ phương pháp tư duy và phân tích những thay đổi mà CMCN 4.0 đem lại, để cùng nhau nắm bắt và chia sẻ những lợi ích từ quá trình này. “Việt Nam có cơ hội nắm bắt và khai thác ưu thế của CMCN 4.0 để đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh cơ hội, chúng ta cũng đối mặt với những thách thức về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã hợp tác với WEF dịch cuốn sách sang tiếng Việt, mang lại cho độc giả Việt Nam một cuốn sách tham khảo có giá trị về CMCN 4.0. Tôi tin tưởng rằng, độc giả sẽ yêu thích cuốn sách và học được nhiều kinh nghiệm từ Giáo sư Klaus Schwab và Việt Nam sẽ chuẩn bị tốt cho CMCN 4.0”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ.
 |
GS Klaus Schwab ký tặng sách cho Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Trọng Hải
|
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất kéo dài từ năm 1760 đến khoảng năm 1840. Với chất xúc tác là việc xây dựng đường sắt và phát minh ra máy hơi nước, nó mở đường cho sản xuất cơ khí. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 bắt đầu vào cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, mở ra cơ hội cho sản xuất hàng loạt nhờ sự ra đời của điện và dây chuyền lắp ráp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu vào những năm 1960. Nó thường được gọi là cách mạng máy tính hoặc cách mạng số bởi chất xúc tác là sự phát triển của linh kiện bán dẫn, máy tính chủ (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và internet (thập niên 1990). Thế giới đang trong giai đoạn khởi đầu của CMCN 4.0. Cuộc cách mạng này bắt đầu vào đầu thế kỷ XXI trên nền tảng của cuộc cách mạng số. Đặc trưng của nó là internet di động phổ biến ở khắp mọi nơi, là những thiết bị cảm ứng nhỏ hơn, mạnh hơn nhưng rẻ hơn, cùng với trí tuệ nhân tạo (AI)… |
HOÀNG VŨ - PHƯƠNG LINH