Năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan rộng, nhiều cơ quan Trung ương và Hà Nội sơ tán về các vùng nông thôn, một trong những nơi đó là huyện Hiệp Hòa (Hà Bắc-cũ). Sơ tán về Hiệp Hòa không chỉ có các cơ quan mà còn nhiều học sinh Hà Nội. Riêng khóa VII (1967-1970) trường cấp 3 Hiệp Hòa của chúng tôi, học sinh sơ tán chiếm tới 1/4.
Ngày ấy, học sinh trường huyện còn hiếm, vì mỗi xã cũng chỉ có hơn chục người. Trường xa nhà 9-10 cây số mà học sinh phần đông đều đi bộ, nên thường sáng đi, chiều về. Ngoài một buổi học văn hóa, buổi còn lại là tham gia các hoạt động tập thể, như lao động xây dựng trường lớp, học quân sự, ngoại khóa và thể dục-thể thao, văn hóa-văn nghệ. Phong trào thu hút không chỉ học sinh mà các thầy cô giáo cũng tham gia rất nhiệt tình. Cô Hoàng Thị Thu (vợ liệt sĩ) là giáo viên dạy môn hóa, đồng thời là phó bí thư đoàn trường, dù con còn nhỏ cũng xung phong làm chủ nhiệm lớp. Thầy Hoàng Cường, giảng viên khoa toán tại trường đại học Sư phạm I Hà Nội đã từ chối khi được đề bạt chức vụ phó chủ nhiệm khoa để về tăng cường cho trường, thầy còn là "cây" vi-ô-lông xuất sắc và tác giả của câu đối "Gắng học tập làm vui lòng Đảng-Năng đàn ca cho đẹp tuổi xuân".
Cũng từ mái trường này, nhiều lớp học sinh đã trưởng thành, lên đường ra trận và lập công trên khắp các chiến trường. Không ít người đã ra đi mãi mãi và nhiều người giờ đây còn mang thương tật trên người. Và có lẽ cũng vì vậy mà ngày chiến thắng 30-4 hằng năm đã trở thành ngày hạnh ngộ của những cựu học trò chúng tôi.
1967-2006, gần 40 năm đã trôi qua. Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập trường THPT số 1 Hiệp Hòa (Bắc Giang), chúng tôi có dịp về thăm trường cũ. Điều chúng tôi cảm nhận đầu tiên là các phòng học sơ tán nay đã trở thành cơ ngơi khang trang với 48 lớp học và nhà trường vẫn duy trì thường xuyên phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt", cùng các hoạt động ngoại khóa, như văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao luôn sôi nổi, vui tươi.
Tuy thời gian đã trôi xa, cùng bao kỷ niệm khác trên đường đời, bao điều mới mẻ của cuộc sống, nhưng trong ký ức chúng tôi vẫn tươi nguyên kỷ niệm về một mái trường thời "Tiếng hát át tiếng bom".
LÊ AN KHÁNH