Trong hoàn cảnh bị thực dân Pháp, rồi phát xít Nhật thống trị, Đảng ta đã sớm nhận thức việc xây dựng chiến khu giữ vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì thế, trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa, từ năm 1941, Trung ương Đảng chỉ đạo xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai; lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo xây dựng căn cứ địa Cao Bằng và Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo xây dựng chiến khu Ngọc Trạo.
Theo chủ trương của Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) và chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (tháng 7-1942), hai chiến khu lớn là chiến khu Lê Lợi (Cao-Bắc-Lạng) được hình thành cuối năm 1942 và chiến khu Hoàng Hoa Thám (Thái-Hà-Tuyên) hình thành đầu năm 1943.
Trong cao trào cách mạng chuẩn bị tiến lên tổng khởi nghĩa, cùng với việc hình thành hàng loạt căn cứ vũ trang ở nhiều địa phương, các chiến khu lần lượt được hình thành, như: Chiến khu Vần-Hiền Lương, chiến khu Quang Trung (Hòa-Ninh-Thanh), chiến khu Trần Hưng Đạo (chiến khu Đông Triều, hay Đệ tứ chiến khu), chiến khu Vĩnh Sơn-Núi Lớn (Quảng Ngãi).
|
|
Đánh chiếm Phủ khâm sai Bắc Kỳ (Hà Nội) ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu |
Đặc biệt, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Chiến khu Việt Bắc (căn cứ địa Việt Bắc, hay Khu giải phóng) rộng lớn được thành lập ngày 4-6-1945, trên cơ sở hợp nhất và mở rộng chiến khu Lê Lợi và chiến khu Hoàng Hoa Thám, gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và một số vùng ngoại vi của các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên; đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng, do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu. Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) là trung tâm của chiến khu.
Các chiến khu cũng là nơi ra đời và hoạt động của các đơn vị vũ trang, như: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (chiến khu Lê Lợi); các Trung đội Cứu quốc quân 2, 3 (chiến khu Hoàng Hoa Thám); Đội du kích Ngọc Trạo (chiến khu Ngọc Trạo); Đội du kích Âu Cơ (chiến khu Vần-Hiền Lương); Trung đội Giải phóng quân (chiến khu Quang Trung); Du kích cách mạng quân (chiến khu Trần Hưng Đạo); hai Đại đội Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám (chiến khu Vĩnh Sơn-Núi Lớn); Việt Nam Giải phóng quân (chiến khu Việt Bắc).
Chiến khu Việt Bắc còn là nơi làm việc và chỉ đạo cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng, Tổng bộ Việt Minh... Vì thế, chiến khu Việt Bắc được tập trung xây dựng về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng cả nước.
Chiến khu được xây dựng về mọi mặt, nhất là quân sự. Tại chiến khu Việt Bắc, khi Việt Nam Giải phóng quân thành lập (ngày 15-5-1945) mới có 13 đại đội, đến tháng 6-1945, các tỉnh đều phát triển lực lượng, riêng Cao Bằng tổ chức được 20 đại đội. Sự tồn tại của các chiến khu là nỗi lo và mối nguy hiểm lớn đối với địch. Chính vì thế, khi phát hiện, địch tập trung lực lượng càn quét, quyết triệt hạ các chiến khu của ta.
Song, LLVT ta kiên quyết chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch. Tiêu biểu ở chiến khu Việt Bắc, các đơn vị Giải phóng quân chiến đấu quyết liệt, bẻ gãy 3 mũi tiến công của 2.000 quân địch (tháng 5-1945), bảo vệ vững chắc Khu giải phóng, duy trì và phát triển lực lượng chủ lực ta. Nắm bắt thời cơ thuận lợi, Đảng ta chỉ đạo các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân xuất phát từ các chiến khu, phối hợp với du kích, tự vệ làm nòng cốt cho nhân dân ở các địa phương khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở từng địa phương. Các đơn vị vũ trang ta tổ chức nhiều trận đánh, tiêu biểu là các trận Đồn Bàng (Kiến An), Tam Đảo (Vĩnh Yên), huyện lỵ Yên Hưng và tỉnh lỵ Quảng Yên... thắng lợi, góp phần thúc đẩy cao trào khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở từng địa phương, chuẩn bị tổng khởi nghĩa trong cả nước.
Trước tình hình Nhật đầu hàng đồng minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng (từ ngày 13 đến 15-8-1945) quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân đồng minh vào Việt Nam. Ngay sau đó, một chi đội Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào tiến về thị xã Thái Nguyên, hỗ trợ nhân dân nổi dậy. Cùng thời gian này, các đơn vị Giải phóng quân và du kích, tự vệ do Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và các đảng bộ địa phương lãnh đạo, từ các chiến khu chuyển từ khởi nghĩa từng phần ở từng địa phương tiến lên tổng khởi nghĩa trên quy mô lớn toàn quốc.
Bằng đòn tiến công quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, nổi dậy của quần chúng, ta lần lượt giành chính quyền ở các tỉnh trong từng chiến khu; đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh của lực lượng chính trị và LLVT, ta giành thắng lợi ở nhiều tỉnh, thành phố, điển hình là Hà Nội (ngày 19-8), Huế (ngày 23-8), Sài Gòn (ngày 25-8)... Đến ngày 28-8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã cơ bản giành thắng lợi trên phạm vi toàn quốc.
Thực tiễn cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 cho thấy, quán triệt quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về khởi nghĩa vũ trang và kế thừa truyền thống xây dựng căn cứ địa của dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong việc xây dựng chiến khu trở thành trung tâm hình thành LLVT cách mạng; nơi cung cấp, dự trữ lương thực, vũ khí, phát triển LLVT; đồng thời là nơi đùm bọc, che chở cơ quan lãnh đạo Trung ương, địa phương và LLVT ta khi bị địch truy quét; đặc biệt là làm bàn đạp tiến hành khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở từng địa phương, tiến lên tổng khởi nghĩa trong cả nước, từ Bắc chí Nam, giành thắng lợi mau lẹ, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
NGỌC SƠN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.