QĐND - Ngày 17-3-1968, tại đền Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương), nhân dân địa phương đã làm lễ xuất quân cho hơn 600 người con thân yêu của mình chi viện Mặt trận 4-Quảng Đà, tiến công tiêu diệt Mỹ-ngụy. Trước đó, 600 chiến sĩ này tham gia khóa huấn luyện do Tỉnh đội Hải Dương (nay là Bộ CHQS tỉnh Hải Dương) tổ chức và lấy phiên hiệu là Đoàn 2013.

CCB Đoàn 2013 cùng thể hiện ca khúc “Hát mãi khúc quân hành” trong một buổi gặp mặt tại TP Hải Dương.

Mang trong mình truyền thống “Đường 5 anh dũng”, các chiến sĩ Hải Dương có mặt tại các đơn vị của Mặt trận 4 đã sát cánh cùng quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng kiên cường chiến đấu diệt thù, giải phóng quê hương. Suốt 7 năm ròng, họ tham gia hàng trăm trận đánh. Tiêu biểu như: Chiến dịch X1 (1968), đánh căn cứ Thượng Đức và vùng sâu Giáng La, Điện Thọ suốt 21 ngày đêm, diệt nhiều giặc Mỹ. Chiến dịch X2 (1969), đánh một loạt căn cứ địch ở Núi Lở, An Hòa, Đức Dục, Giao Thủy-Gò Nổi và Kho xăng Liên Chiểu-Non Nước. Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971), Mặt trận 4 phối hợp với các chiến trường lập công, góp phần để Hiệp định Pa-ri được ký kết năm 1973. Tại Chiến dịch giải phóng Thượng Đức, Khâm Đức, đánh Nông Sơn, Trung Phước năm 1974, các chiến sĩ Đoàn 2013 anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công. Mùa Xuân 1975, đoàn phối hợp với toàn chiến trường, giải phóng TP Đà Nẵng, góp phần đẩy nhanh giải phóng miền Nam… Sau thống nhất đất nước, nhiều đồng chí lại mang ba lô lên đường bảo vệ biên cương. Nhiều người đi học tập nâng cao kiến thức, vào cơ quan, xí nghiệp, ra công trường, xây dựng Tổ quốc. Niềm tin vào Đảng và khát vọng được cống hiến cho Đảng lúc nào cũng trào dâng trong họ.

Ngày xuất quân có hơn 600 người, giờ đây số thường xuyên gặp mặt chỉ còn hơn 50 người, hầu hết là thương binh, bệnh binh, bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Trên trận tuyến mới, họ chủ động hòa vào phong trào thi đua yêu nước cùng nhân dân nỗ lực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Tiêu biểu cho tinh thần “tàn nhưng không phế” là các ông: Nguyễn Văn Đủ được mệnh danh “Thần nông”, nhất là làm vụ đông. Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Văn Tháng bị nhiễm chất độc ở chiến trường, mất 81% sức khỏe vẫn tích cực hoạt động trong Ban chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Tứ Kỳ, luôn gần gũi, giúp đỡ động viên các cựu chiến binh cùng cảnh ngộ vững vàng trong cuộc sống, xây dựng tương lai. Ông Vở ở xã Đại Đồng (Tứ Kỳ, Hải Dương), sau chiến tranh trở về, gia đình đặc biệt khó khăn, đã tự học để làm nghề gò hàn, bán sản phẩm, xóa nghèo và truyền nghề cho con cháu. Ông Trần Mạc ở huyện Gia Lộc tập hợp anh em đồng ngũ, các cựu chiến binh trong khu vực, hướng dẫn họ trồng rau bán, rồi chuyển sang kinh doanh hạt giống rau. Thương hiệu “Hạt rau giống Trần Mạc” nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường các vùng sản xuất nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố. Ông Mạc thường hỗ trợ phương tiện để Ban liên lạc Hội đồng ngũ từng chiến đấu ở Mặt trận Quảng Đà năm xưa đi thăm viếng hội viên…

Đã 15 năm nay, đồng đội Đoàn 2013 họp mặt vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập QĐND. Họ ôn lại truyền thống và chiến công của đơn vị, tặng quà thân nhân liệt sĩ; giúp nhau làm kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình; bàn các phương án hỗ trợ, góp công sức để tìm hài cốt liệt sĩ…

 Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG