QĐND - Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ ác liệt, chiến sĩ Trần Công Lập và cô gái Nguyễn Thị Huỳnh Mai cùng được tập kết ra Bắc học tập. Ở đó, họ đã gặp nhau, yêu nhau, nên duyên vợ chồng và hẹn ước sẽ cùng trở lại miền Nam chiến đấu. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần giải phóng quê hương, xây dựng gia đình hạnh phúc, họ luôn chia sẻ, thương yêu, giúp đỡ nhau vượt qua mọi gian khó, hy sinh.

Ông Lập và bà Mai ôn lại kỷ niệm một lần cùng đồng đội ra thăm Hà Nội.

“Giai đoạn 1969-1972, chiến trường miền Đông Nam Bộ như “chảo lửa”. Tháng 6-1971, vợ chồng tôi sinh cháu Trần Thị Linh Chi. Đầu tháng 12-1972, tôi vừa ra khỏi khu vực hầm bệnh xá thuộc Ban Dân y, Trung ương Cục miền Nam chừng 200m, bất ngờ, máy bay địch ném bom dữ dội. Nhìn khói bốc lên mù mịt, lòng tôi đau quặn, trái tim như ngừng đập… Chạy lại phía căn hầm nơi có con gái bé bỏng mà đôi chân tôi như díu lại… Tay không, chân trần, tôi bới tìm con trong đống đất đá đổ nát… Phải mất khoảng 30 phút, đồng đội phát hiện thấy con gái tôi bị vùi lấp trong đất. May mắn cháu không bị trúng đạn, chỉ bị sức ép”. Đó chỉ là một trong rất nhiều tình huống mà bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, nguyên bác sĩ Bệnh xá Ban Dân y, Trung ương Cục miền Nam kể về những ngày vừa chiến đấu, vừa nuôi con, xây dựng hạnh phúc gia đình với chồng là Đại tá Trần Công Lập, nguyên Đội trưởng Đội Trinh sát Kỹ thuật Sư đoàn 9, Quân đoàn 4.

Tháng 2-1955, đồng chí Trần Công Lập, quê ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, chiến sĩ Cơ quan dân quân Khu 7 được cấp trên điều động ra miền Bắc học tập về trinh sát kỹ thuật (TSKT). Cuối tháng 12-1958, đến thăm gia đình một đồng đội ở quận Kiến An (TP Hải Phòng), ông Lập tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai (quê ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Xa quê hương, hai người chỉ gặp nhau một lần, nhưng đã cảm thấy rất quyến luyến và gần gũi. Sau một thời gian, hai người đồng ý yêu nhau, cùng với lời ước hẹn học xong sẽ vào Nam chiến đấu, góp phần giải phóng quê hương.

Ngày ấy, cô gái Mai rất chăm chỉ và học rất giỏi. Tháng 6-1962, cô thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội, còn người yêu cũng hoàn thành chương trình đào tạo TSKT với kết quả cao. Cuối tháng 9-1962, hai người chính thức tổ chức đám cưới tại quận Ba Đình, Hà Nội. Chưa hết tuần trăng mật, anh Lập có lệnh hành quân vào Nam chiến đấu, còn chị tiếp tục ở lại học tập. Bà Mai xúc động nhớ lại: "Ngày chia tay, tôi bịn rịn bảo anh rằng: “Mong anh trở lại miền Nam mạnh khỏe, học tập chiến đấu, mau tiến bộ, để sau này giúp đỡ em cùng tiến bộ!”. Anh đã nhẹ nhàng lau nước mắt cho tôi, thay cho mọi lời hứa".

Ông Lập vào Nam chiến đấu, lập được nhiều thành tích, lần lượt được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ Đội phó Đội TSKT (Bộ Tham mưu Miền) rồi đến Đội trưởng Đội TSKT Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4). Chiến tranh ngày càng ác liệt, nhiệm vụ TSKT cứ cuốn ông đi hết trận đánh này đến trận đánh khác.

Đến năm 1969, tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, bà Mai được cấp trên điều động vào Nam chiến đấu theo đúng nguyện vọng. Sau 3 tháng hành quân gian khổ vượt Trường Sơn đến tỉnh Tây Ninh, bà về nhận nhiệm vụ tại Bệnh xá Ban Dân y, Trung ương Cục miền Nam. Bà Mai bồi hồi nhớ lại: “Ngày gặp lại nhau, cả hai chúng tôi đều vui mừng rơi nước mắt. Tổ ấm của chúng tôi là một căn hầm ở bệnh xá. Tuy cùng công tác trên chiến trường, nhưng thời gian chúng tôi gặp nhau cũng thật ít ỏi”.

Ông Lập tiếp lời bà: “Thường 3 đến 4 tháng, lúc chiến trường tạm yên tiếng súng, tôi mới xin cấp trên tranh thủ về thăm vợ con. Cuộc sống nơi chiến trường thật gian khổ và khốc liệt. Mỗi lần về thăm vợ con, tôi lại tranh thủ tìm hái rau rừng và săn bắn thú để tổ chức bữa ăn tươi cùng các y, bác sĩ tại bệnh xá”.

Đến cuối năm 1973, trước yêu cầu nhiệm vụ của trên, hai người quyết định gửi con về ông bà ngoại ở huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) để tiếp tục chiến đấu cho đến ngày giải phóng miền Nam. Sau năm 1975, ông Lập nhận công tác tại Bộ Tham mưu Quân khu 7, còn bà Mai nhận công tác tại Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng). Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Đại tá Trần Công Lập được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, bà Mai cũng được tặng nhiều huân chương, huy chương.

Giờ đây, mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng ông bà luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh không may mắn; đến các đơn vị, trường học kể chuyện truyền thống. Nhớ lại kỷ niệm một thời, ông bà vui vẻ trải lòng: “Có cuộc sống hạnh phúc tươi đẹp hôm nay là nhờ chúng tôi luôn chia sẻ, thương yêu, tin tưởng nhau, cùng chung quyết tâm vào Nam chiến đấu, góp phần nhỏ bé giải phóng quê hương, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Bài và ảnh: DUY HIỂN