QĐND - Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ ác liệt, nhiều nữ quân y không sợ nguy hiểm, luôn bám sát trận địa cứu chữa thương binh. Chính trong những giây phút khốc liệt giữa sự sống và cái chết lại là nơi gặp gỡ, bắt đầu cho những câu chuyện tình thật đẹp. Chuyện tình của Trung úy, y tá Nguyễn Thị Chung và Anh hùng LLVT nhân dân Trần Đối, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5, cũng bắt nguồn trong hoàn cảnh ấy...

9 năm làm y tá chiến trường 

Xa quê hương đã gần 50 năm, nhưng giọng nói, tính cách của bà Nguyễn Thị Chung vẫn giữ nét bộc trực, thẳng thắn của người con gái vùng đất lửa huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngày 1-6-1966, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Thị Chung tình nguyện nhập ngũ. Gần 3 tháng vượt Trường Sơn gian khổ vào Nam chiến đấu, bà được giao nhiệm vụ nuôi quân tại Ban Chính trị Trung đoàn 5 (Sư đoàn 5, Quân khu 7).

Nhớ lại kỷ niệm năm xưa, bà Chung tâm sự: “Làm chiến sĩ nuôi quân, hàng ngày chứng kiến đồng đội chiến đấu bị thương, tôi nỗ lực chăm sóc, song lại không biết về nghề y nên rất lúng túng và gặp nhiều khó khăn. Vì thế, tôi quyết định học thêm lớp y tá ngắn hạn do sư đoàn tổ chức. Ngặt nỗi, lúc ấy, tôi lại chưa biết chữ. Mỗi buổi đi học, tôi chỉ nghe giảng, quan sát động tác thực hành mà không ghi chép được. Sau mỗi buổi học về, nhiều đêm tôi thao thức ứa nước mắt vì không ghi được bài. Quyết tâm học tập, hàng ngày, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, tôi tranh thủ giúp mọi việc để đồng đội có thời gian đọc lại tài liệu cho tôi. Nhờ vậy, tôi không chỉ nắm được lý thuyết, thành thạo kỹ thuật cấp cứu thương binh mà cũng dần đọc thông, viết thạo”.

Bà Nguyễn Thị Chung (thứ ba, từ trái sang) và đồng đội trong dịp họp mặt kỷ niệm ngày truyền thống Sư đoàn 5.

Cuộc chiến ngày càng ác liệt, suốt 9 năm làm y tá của sư đoàn chủ lực, bước chân của bà đã đi khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ. Bà Võ Thúy Hoàng, nguyên chiến sĩ văn công Sư đoàn 5 (giai đoạn từ 1966-1975), một đồng đội của bà Chung, cho biết: “Chị Chung tuy dáng người nhỏ, nhưng có sức khỏe tốt và rất dũng cảm; nhiều trận, chị xông pha nơi trận địa như nam giới”.

Trận đánh ngã ba Ông Đồn thuộc địa bàn thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai diễn ra ngày 31-6-1967, Nguyễn Thị Chung vừa chiến đấu, vừa cứu chữa thương binh cả ngày lẫn đêm. Trận đánh vừa kết thúc, pháo binh địch bắn hủy diệt trận địa, một đồng đội tên Dũng, y sĩ Đại đội 6 (Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5) bị thương nặng không thể đi được, lúc đó chỉ còn bà Chung ở tuyến sau. Bà đã cõng đồng đội gần 2 ngày đêm để bám kịp đội hình đơn vị. Bà Chung nhớ lại: “Mỗi lúc thấy chớp lửa đạn pháo, tôi nhanh chóng tìm gốc cây, ụ đất để ẩn nấp. Khi về đến đơn vị, người tôi lịm thiếp đi vì mệt và đói”. Đó chỉ là một trong số rất nhiều những tình huống mà bà Chung từng trải qua trong những tháng năm lửa đạn... 

Nên duyên từ chăm sóc thương binh

Cuối năm 1973, y tá Nguyễn Thị Chung được cấp trên điều động làm y tá Phòng Tham mưu Sư đoàn 5. Đầu tháng 1-1974, trong một trận đánh, Trần Đối bị thương. Được y tá Nguyễn Thị Chung chăm sóc, sau khi vết thương thuyên giảm, ông đã đem lòng cảm mến người nữ y tá từng chăm sóc mình. Đến cuối tháng 11-1974, hai người tổ chức đám cưới tại khu rừng thuộc tỉnh Tây Ninh giáp với biên giới Cam-pu-chia.

Bà Chung nhớ lại: “Ngày ấy cưới thật giản dị, chỉ có bánh ngọt và lời chúc mừng của đồng đội, nhưng rất vui và ý nghĩa. Anh cũng chẳng có gì tặng tôi, chỉ có bông hoa rừng”. Sau ngày cưới, hai người cũng không có tổ ấm riêng. Tại các khu rừng, trong giây phút chiến trường tạm yên tiếng súng, hai người mới có điều kiện gặp nhau. Tháng 2-1975, bà Chung sinh cháu Trần Phương Đông. Sau đó, sư đoàn cơ động chiến đấu liên tục trên chiến trường Tây Ninh nên bà cũng phải bồng con đi khắp chiến trường. Mặc dù vậy, vợ chồng bà luôn phấn khởi, hạnh phúc vì thắng lợi đang đến gần và càng nỗ lực công tác, giúp đỡ, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, năm 1978, Trần Đối được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; bà Chung cũng được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Sau khi nước nhà thống nhất được ít năm, ông Đối tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Cam-pu-chia cho đến năm 1989. Để chồng yên tâm chiến đấu, năm 1977, bà Chung chuyển ngành về Bệnh viện Đa khoa thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai để có điều kiện chăm sóc gia đình. Giai đoạn 1980-1981 và 1983-1984, ông Đối là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5; đến năm 1993, hai vợ chồng bà mới thực sự có những ngày tháng sống trong hòa bình. Từ năm 2007 đến khi mất (năm 2011), Thiếu tướng Trần Đối thường xuyên đau yếu do vết thương chiến tranh tái phát, nhưng luôn có bà hết lòng thương yêu, chăm sóc.

Bài và ảnh: DUY HIỂN