QĐND - Chúng tôi về Trường THCS xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) khi trời còn dày đặc sương mù. Mặc dù cách thị trấn hơn 30km, nhưng xe của chúng tôi phải mất gần hai giờ vượt đường dốc khúc khuỷu mới lên đến nơi. Ngôi trường nép mình bên sườn núi, cạnh UBND xã. Tuy đã thấm mệt nhưng khi gặp thầy, cô giáo và các em học sinh, ai cũng vui, nhất là lại được nghe kể về mối tình của cô giáo Nguyễn Thị Hoa và Thượng úy Nguyễn Chí Công (Chính trị viên Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 335, Sư đoàn 324, Quân khu 4).
 |
Nguyễn Chí Công và Nguyễn Thị Hoa. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Cách đây 4 năm, trên đường từ TP Vinh về trường, Hoa ngồi cùng xe với một anh bộ đội. Hôm ấy, Hoa say xe, mệt nhoài. Công ngồi bên nhẹ nhàng giúp cô gái. Khi mệt quá, Hoa “nhờ” bờ vai êm ái của anh bộ đội, ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Đến khi tỉnh dậy, Hoa ngượng ngùng đến đỏ mặt.
Qua trò chuyện, Công biết Hoa là giáo viên ở miền tây xứ Nghệ. Lo Hoa bị mệt, Công đưa Hoa về tận trường và cô không quên xin địa chỉ để có dịp cảm ơn anh.
Một tháng sau, Công nhận được lá thư lạ. Nhìn nét chữ đẹp, anh đoán là được viết bởi một cô gái. Anh hồi hộp mở ra mới hay đó là thư của Hoa, cô gái ngồi cùng xe hôm trả phép. Đêm ấy, anh đọc kỹ lá thư từng câu, từng chữ. Trời đã sang canh mà anh vẫn còn thao thức. Hình ảnh cô giáo Hoa cứ hiện về trong tâm trí. Anh quyết định viết thư hồi âm mà lòng xao xuyến lạ thường.
Không có điều kiện gặp gỡ thường xuyên, thay vào đó là những lá thư đi-về và những lần tranh thủ ngắn ngủi, hai người gặp nhau. Cuộc sống của người lính ngày càng hiện rõ trong tâm trí Hoa. Mỗi dịp đến thăm đơn vị, Hoa thích được tìm hiểu cuộc sống cũng như công việc của bộ đội. Tình cảm dần trở nên gần gũi, lời tỏ tình của Công đúng vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội đã được Hoa đáp lại.
Hoa ra trường và tình nguyện nhận công tác ở miền sơn cước Nghệ An, một xã giáp biên giới Việt-Lào, khiến bố mẹ cô phản đối gay gắt. Với tấm bằng loại giỏi, nhiều trường ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) tiếp nhận, nhưng cô vẫn tình nguyện về vùng sâu, đưa con chữ đến với đồng bào dân tộc. Thời gian đầu, một mình lặn lội nơi biên giới, dù đã quyết tâm nhưng có lúc Hoa cũng thấy nản. Tuy nhiên, nhìn các em nhỏ ở đây vượt suối, băng rừng đến lớp đã giúp cô thêm động lực ở lại. Bà Phan Thị Ngũ-mẹ của Hoa, thương con mà nhiều đêm không ngủ được. Nhưng rồi thời gian trôi đi, Hoa hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ ở trường, học trò của chị ngoan ngoãn, chăm học, lúc ấy bà mới yên tâm.
Lễ cưới của Công và Hoa được tổ chức tại đơn vị. Nay, tổ ấm của hai vợ chồng thêm hạnh phúc khi có thêm thành viên “nhí” gần 2 tuổi.
LÊ TƯỜNG HIẾU