QĐND - Ngày em Nguyễn Minh Đạt ở Trương Định, Hà Nội (con của thương binh nặng Nguyễn Quang Minh, đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ) nhận quyết định tuyển dụng của Bộ Quốc phòng vào làm việc tại Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, em thực sự xúc động và hạnh phúc. Tin vui của em như làm dịu những cơn đau mà hằng ngày, hằng giờ người cha phải chịu đựng.

Chung niềm vui được tuyển dụng vào quân đội với Nguyễn Minh Đạt hôm đó còn có Nguyễn Văn Diệp ở thôn Lai Cách, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn và Trương Thị Thu Hằng ở thôn Trung, xã Tam Huấn, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội.

Tìm hiểu về quãng đời của Nguyễn Minh Đạt, chàng thanh niên sống ở nước ngoài nhiều hơn ở Việt Nam, chúng tôi được biết, chưa đầy hai tuổi, Nguyễn Minh Đạt đã chịu cảnh mồ côi mẹ. Thương con thơ dại, sau thời gian nhờ người nhà chăm sóc, thương binh nặng Nguyễn Quang Minh (khi đó đang điều trị bệnh bại liệt cột sống tại Nga) đã đề nghị các cơ quan chức năng cho phép được đưa Đạt sang ở cùng để bố con sớm tối có nhau. Kể từ đó, Đạt sinh sống và học tập tại nước Nga. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ sinh học ứng dụng ở Nga, Đạt về nước và tiếp tục học văn bằng 2 tại Trường Đại học Hàng không Mát-xcơ-va (cơ sở tại Việt Nam), chuyên ngành tin học ứng dụng. Năm 2013, Đạt ra trường nhưng cũng như bao cử nhân khác, em rơi vào cảnh thất nghiệp.

Đại diện lãnh đạo Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội trao quyết định và động viên các em Đạt, Diệp, Hằng (từ trái sang) trước khi về đơn vị nhận nhiệm vụ.

Hoàn cảnh không éo le như Nguyễn Minh Đạt, nhưng với Nguyễn Văn Diệp và Trương Thị Thu Hằng thì cái nghèo, cái khổ cứ bám riết lấy gia đình hai em. Đối với Diệp, bố em, thương binh nặng Nguyễn Hồng Loan bị liệt hai chân, đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ, nên mọi việc trong gia đình, từ lo cái ăn, việc học cho 3 người con đều đặt trên vai bà Trần Thị Hòa, mẹ của Diệp gánh vác.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Điện tử-Điện lạnh Hà Nội (năm 2012), Nguyễn Văn Diệp đã nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi, nhưng không có kết quả. Trong khi chờ đợi, Diệp làm đủ mọi nghề kiếm sống, từ sửa chữa điện lạnh thuê, nhân viên bảo vệ, nhân viên cửa hàng khí đốt... song mỗi dịp Tết đến xuân về, toàn bộ số tiền em dành dụm, tằn tiện chi tiêu cả năm trời cũng chỉ đủ phụ mẹ mua sắm Tết trong gia đình.

Cuộc sống mưu sinh cứ lặng lẽ trôi, Đạt, Diệp và Hằng đều mơ ước một ngày nào đó sẽ có công việc ổn định, đỡ đần thêm cho bố mẹ. Và ước mơ ấy đã thành sự thật khi cả 3 em đều nhận được thông báo tuyển dụng của Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Tối hôm ấy, bạn bè, bà con trong phố, trong xóm đều đến chúc mừng 3 em được tuyển dụng vào quân đội. Trong tiếng cười nói giữa đêm đông Hà Nội, ai cũng thấy ấm lòng hơn trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội… đối với con đẻ của thương binh nặng.

Chia sẻ với tôi, Nguyễn Minh Đạt nói: “Khi nhận được tin, bố dặn em phải cố gắng công tác tốt, chấp hành nghiêm các quy định, chế độ của đơn vị, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị giao”.

Được biết, không chỉ Đạt, Diệp và Hằng nhận được niềm vui này. Từ năm 2011, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tuyển dụng 17 con đẻ của thương binh, bệnh binh nặng vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị theo Chỉ thị 97 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Phát biểu tại lễ trao quyết định, Đại tá Nguyễn Doãn Anh, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội mong rằng các đồng chí được tuyển dụng khi về đơn vị công tác phát huy tốt truyền thống gia đình, quê hương; vận dụng sáng tạo kiến thức được đào tạo vào công việc, chấp hành nghiêm điều lệnh, quy định của quân đội và đơn vị.

Trước khi nhận con đẻ của thương binh, bệnh binh nặng vào làm việc, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với các trung tâm điều dưỡng tuyên truyền rộng rãi chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để các đồng chí thương binh, bệnh binh nặng biết và đăng ký danh sách cho con. Khi có hồ sơ dự tuyển, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội mời các đồng chí thương binh, bệnh binh cùng các cháu đến gặp gỡ, trò chuyện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng cháu. Qua đề xuất cụ thể của gia đình và nguyện vọng các cháu, bộ tư lệnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn sắp xếp công việc phù hợp, phát huy được năng lực, sở trường của từng người. Với cách làm trên, đến nay, 100% các cháu được tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đều phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bài và ảnh: DUY THÀNH