Bìa truyện ký "Một thời để nhớ" của tác giả Nguyễn Ngọc Bào.

Trời phú cho tôi một trí nhớ tuyệt vời để đến nay khi ở tuổi 85 tôi vẫn đánh máy và ghi lại được những kỷ niệm ở Trường Sơn để lưu tặng đồng đội, bạn bè và truyền lại cho con cháu", Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Bào, nguyên Chính ủy Trung đoàn 32, Sư đoàn 471, Đoàn 559 cho biết như vậy và trao tặng tôi cuốn truyện ký "Một thời để nhớ" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2019), mà ông là tác giả.

15 tuổi, Nguyễn Ngọc Bào tình nguyện nhập ngũ. Trong chiến đấu, dù bị địch bắt, bị tù đày, nhưng Nguyễn Ngọc Bào luôn kiên trung, bất khuất trước mọi cực hình tra tấn dã man của kẻ thù. Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tháng 5-1965, khi đang là Bí thư Huyện đoàn Đông Anh (Hà Nội), Nguyễn Ngọc Bào nhận quyết định tái ngũ và được bổ sung vào Đoàn 559. Những chặng đường chiến đấu, công tác với sự trải nghiệm phong phú gắn với những hoàn cảnh đặc biệt đã được Nguyễn Ngọc Bào tái hiện sâu sắc trong cuốn truyện ký "Một thời để nhớ", gồm 5 phần, khái quát quá trình tham gia cách mạng, nhưng nhiều hơn cả là các bài viết viết về Trường Sơn.

Cầm trên tay cuốn truyện ký, tôi lật giở từng trang với mong muốn có thêm hiểu biết chân thực, sống động về tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Ngôn từ của tác giả giản dị mà sống động: "Khói bom đạn, khói bộc phá, khói lửa cây khô cháy liên tục ngày đêm cộng với bụi đất đá tạo nên một quãng đường luôn vẩn đục bốc lên không trung. Tiếng nổ của bom phá, bom phát quang, bom bi, rốc két, súng máy 20mm, 40mm, thậm chí cả bom rải thảm của máy bay chiến lược B-52 cộng với tiếng nổ của bộc phá tác nghiệp của anh em công binh gây nên một âm thanh hỗn độn, ầm ầm, ào ào vọng vào dãy núi nghe chối tai, nhức óc. Một cảnh tượng ngột ngạt gây căng thẳng thần kinh con người, có những giây phút yếu mềm tưởng thần chết luôn vương vấn quanh mình".

  Thế nhưng, nhiều lần Nguyễn Ngọc Bào đã mưu lược, gan dạ chỉ huy đội hình xe chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm vượt qua rừng núi hiểm trở, vượt hàng trăm trọng điểm ác liệt, thường xuyên phải đối phó với thủ đoạn đánh phá của không quân Mỹ. Rồi có những giây phút xúc động, trân trọng tình đồng chí, đồng đội khi anh bị thương nặng và được "đồng chí Khôi, Chính trị viên Đại đội 11 cho một miếng mật gấu để ngâm, xoa bóp cho mau lành chỗ còn đau nhức. Đồng chí Vinh, Chính trị viên Đại đội 14 rẽ vào thăm, xách trứng gà để bồi dưỡng…; công vụ tiểu đoàn tận tình chăm sóc chu đáo, coi như người anh ruột trong gia đình". Bằng ý chí của Bộ đội Trường Sơn, Nguyễn Ngọc Bào cùng đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Tháng 9-1975, Trung đoàn 32 được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

"Một thời để nhớ" góp phần giúp bạn đọc thêm trân trọng chiến công oanh liệt của Bộ đội Trường Sơn, thức dậy niềm tin yêu cuộc sống để vươn tới những lý tưởng cao đẹp.

NGUYỄN THU