 |
Ảnh minh họa/internet. |
Nhiều năm sinh sống ở thành thị, mỗi lần nhớ quê xa, tôi lại đọc thầm câu lục bát nhuần nhị như ca dao của nhà thơ Trần Đăng Khoa: Mái gianh ơi hỡi mái gianh/Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương. Và lần nào cũng vẹn nguyên một cảm xúc rưng rưng…
Xưa, quê tôi ở nhà mái rạ, mưa to không ồn như mái tôn, nắng hạ đỡ nóng bức hơn, đông về lại ấm áp như nhà có máy điều hòa nhiệt độ.
Gọi là mái gianh nhưng ở quê tôi lợp bằng rạ, phần gốc của cây lúa. Rạ vụ chiêm ngắn cứng chỉ để đun nấu, vụ mùa rạ óng dài mới lợp nhà được. Khi gặt lúa tháng Mười, người ta xén rạ lại, trải phơi ngoài đồng cho đến khô, bó tròn gánh về. Nhà nào khá giả thì mua nứa về chẻ hom đan thành từng tấm gọi là đánh gianh. Những tấm gianh được xếp lần lượt gối đầu buộc chặt từng lớp, phủ kín mái nhà. Còn có kiểu lợp đơn giản hơn, không phải đánh gianh mà chỉ giũ rối rạ, rồi rút ra cột từng bó bằng người ôm, dùng sào dài xóc chéo đưa lên rải đều từng lớp, thỉnh thoảng buộc một nút lạt vào đòn tay, cứ lợp được vài thước lại dùng sào khua đập cho phẳng. Lợp nhà kiểu này tuy nhanh nhưng phải kén người cẩn thận, khéo tay để tránh bị dột.
Ở nhà mái rạ cũng nhiều cái hơn hẳn! Mưa to không ồn, tiếng mưa đêm vỗ lên mái rạ nghe êm đềm, nhè nhẹ đưa ta vào giấc ngủ sâu. Nắng hạ, nhà mái rạ cũng đỡ nóng bức hơn. Đông về, gió lạnh gầm gào trên nóc, nằm ổ rơm, dưới mái rạ, tường trát đất kín gió… cũng ấm áp như nhà có máy điều hòa nhiệt độ hôm nay. Chỉ khi gặp bão, nhà lợp theo kiểu giũ rối dễ bị tốc mái hơn lợp bằng tấm gianh. Mái rạ vài ba năm lại phải thay mới. Sau một hai mùa mưa nắng, mái ngả màu ghi xám, trông bàng bạc như vai áo người nông dân mồ hôi muối đã bợt bạt với nắng mưa...
Làng tôi giờ đây không còn một mái rạ nào, đa phần là mái tôn và mái bằng bê tông, ngõ xóm đường làng cũng đổ bê tông. Cả làng còn mươi mái ngói, đó là những ngôi nhà hàng trăm tuổi, con cháu muốn lưu giữ để ghi nhớ và thờ cúng tổ tiên, hoặc là những hộ nghèo vẫn chịu cảnh tường con kiến, mái khấp khểnh ngói loại ba của hợp tác xã thời bao cấp. Hình ảnh sương lam chiều cùng khói bếp quyện vào nhau la đà lan tỏa trên mái rạ bờ tre, đẹp như trong tranh thủy mặc… giờ đã không còn nữa. Thi thoảng về làng, tôi vẫn nhớ đến nao lòng những mái gianh thuở trước.
Trang Nhung