(tiếp theo và hết) DO28 là người lính hiền từ cần mẫn, luôn chiếm được lòng tin của các cấp chỉ huy, lại làm những việc liên quan đến quân số, lương bổng của lính, kể cả hành trình của các cuộc hành quân… nên những tài liệu của DO28 rất chính xác, tạo cho ta tránh địch hoặc đánh địch những đòn rất đau…

Được sự giới thiệu của Thiếu tướng Trần Tiến Cung, chúng tôi đến gặp DO28. Ông đã về hưu, sống với vợ và người con trai út vừa tốt nghiệp cử nhân tin học. Ngôi nhà nhỏ của ông ở sâu trong hẻm, xa trung tâm thành phố.

Cuộc sống giản dị, thanh bạch cùng những lời nói từ tốn, rành rẽ của ông… đã gây cho chúng tôi những ấn tượng trong trẻo, thân tình, ấm áp. Ông đã kể thật nhiều về Huỳnh Thị Thanh cho chúng tôi. Cô bé giao liên đã gắn bó với đời hoạt động của ông nhiều năm trong lòng thành phố, ngay trong hang ổ của kẻ thù…

Điều đầu tiên tôi muốn nói với các anh là sự thông minh của Thanh. Thứ nhất là tất cả các trạm gác dọc đường, Thanh đều làm quen được với bọn lính gác ở đó. Mỗi khi xe dừng lại ở đâu là Thanh sà vào ngay bọn lính gác, không chút sợ sệt, như chính là người thân của mình vậy. Thứ hai là cách giấu tài liệu của Thanh, thường rất bất ngờ, hợp lý, sờ sờ ra trước mắt mà không ai để ý. Ví dụ giấu tài liệu trong ổ bánh mì. Không phải một cái để trong xách, mà có khi hai, ba hoặc nhiều hơn. Khi cần là lấy bánh mì mời lính cùng ăn. Những chỗ khó lọt qua nhất, Thanh lấy cái bánh đặc biệt ra ăn, Thanh bẻ cái bánh làm đôi, một nửa đưa người lính mà Thanh nghi ngại nhất, một nửa Thanh cầm cắn ăn ngon lành… Nửa bánh Thanh ăn là nửa bánh có giấu tài liệu. Chẳng ai nghi ngờ được. Hay có lúc em đội cái nón mới, trong cái nón ấy, ở một chỗ đặc biệt sẽ có tài liệu giấu kín… Những ngày mưa kéo dài, Thanh lại cầm theo cây gậy tre để chống. Trong ruột cây gậy là tài liệu mật, thường đến chỗ soát của địch, em cầm gậy chống lại gần bọn lính, dựng đâu đó, hoặc đưa cho một người lính cầm chống thử. Rồi Thanh ví đuổi người lính cầm gậy, lấy được gậy, lại nhứ nhứ, hoặc đánh nhẹ vào chân, rồi nhoẻn miệng cười, trông thật dễ thương… Những người lính cứ khen Thanh, lâu lâu không gặp Thanh, họ lại nhớ và nhắc. Nên khi gặp lại Thanh, họ lại reo lên: “Ồ, bé đi thăm ba đó à?”… Nhờ thế mà Thanh đã qua bao nhiêu đồn bót địch. Qua mắt được kẻ thù.

Và điều tôi muốn nói nữa là Thanh rất hiền, chịu khó. Em luôn tự động làm những việc không ai sai biểu, trong cái ý thức thường trực vốn có của một người con hiếu thảo. Mỗi khi đưa tài liệu ra cho tôi, Thanh biết là tôi cần yên tĩnh để đọc và viết những điều cần thiết gởi về đơn vị, nên khi đưa tài liệu xong, Thanh tự mình tìm áo quần của các con tôi, hoặc của tôi giặt giũ, hoặc dọn rửa chén bát, quét nhà, lau bàn ghế… Em làm thật gọn gàng, ngăn nắp, không một tiếng ồn. Xong, Thanh tắm cho mình, cho con tôi, rồi mang áo quần ra ủi. Tôi để ý thấy cháu đi đến đâu, gặp ai, người đó ở cương vị nào, cháu thường mặc những bộ áo quần rất hợp. Ví dụ em ra công tác với Nguyễn Quang Anh, quận trưởng quận Quảng Điền, cơ sở của ta, thì Thanh mặc đầm, đi tất trắng, mang giày. Vì trong vai cháu của một quận trưởng. Tôi gởi cháu ra ngoài ấy bằng xe Zeép nhà binh. Người ta đưa Thanh đi và trả Thanh về tận nơi hẳn hoi. Còn khi về nông thôn, cháu lại mặc bộ đồ bình thường như những trẻ con nghèo, nghĩa là cháu vào vai rất đạt.

Đến bây giờ, tôi cũng không hiểu được vì sao một đứa bé ở tuổi chín, mười, bất cứ lúc nào gặp trò chơi trẻ con là sà vào chơi ngay, chơi một cách hồn nhiên, lại có thể làm được những việc tôi vừa kể cũng hồn nhiên như một trò chơi. Thanh đúng là một giao liên đáng tin cậy nhất mà tôi trực tiếp làm việc trong nhiều năm. Hàng trăm lần cháu phải ra thành phố, ra vào vùng giải phóng, ra tận Quảng Điền xa xôi. Có lần, do công tác yêu cầu cấp bách, cháu xuống chỗ tôi đã hơn ba giờ chiều, người cháu xơ xác, nhưng vẫn nhoẻn miệng cười. Hỏi ra mới biết, cháu vừa thoát khỏi trận tập kích pháo, bom B52 rải thảm ở vùng giải phóng. Chưa kịp tỉnh người, cháu phải quay về ngay trong đêm đó để kịp báo tin quan trọng về cuộc hành quân bí mật của Mỹ ngụy vào sáng mai… Thanh không hề có một cái nhíu mày trong những trường hợp như vậy, Thanh vẫn cười và sẵn sàng đi về vùng giải phóng, nhiều khi không kịp ăn cơm tối…

Với bé Thanh, chúng tôi hoàn toàn yên tâm không sợ xảy ra chuyện gì trên đường đi ở vùng địch, mà chỉ lo cháu gặp rủi ro ở những đoạn giáp ranh và vùng giải phóng mà thôi. Bởi ở đó, như tôi đã nói, bom đạn của địch, mìn của du kích đặt dày. Và lo hơn cả là những trận phục kích bất ngờ của Mỹ, Nam Triều Tiên, ngụy…

Chuyện của Thanh còn dài. Tôi chỉ tiếc là Thanh, người đồng chí, người con của đơn vị, người cháu của tôi, hy sinh quá sớm. Cháu hy sinh đúng vào ngày Nô-en năm 1967 tại vùng giải phóng, vừa tròn 12 tuổi.

Thanh hy sinh chẳng để lại gì, chỉ còn một tấm ảnh duy nhất với tấm bằng Tổ quốc ghi công với dòng chữ: Huỳnh Thị Thanh, tiểu đội phó Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng với gia đình, Thanh là người luôn được nhắc đến một cách trìu mến, trong sự khâm phục và tự hào của mọi người. Ngay cả bà con chòm xóm quê Thanh, những người ngày xưa trụ bám cùng với gia đình ông bà Hương Vạn đều thương tiếc và nhắc đến Thanh như một chiến sĩ trụ bám kiên cường nhất. Họ nhớ mãi cô bé hiếu thảo, lại có nụ cười tươi rói, luôn ca hát và vui vẻ trong mọi hoàn cảnh ác liệt, chớ không một ai biết cháu làm giao liên tình báo… Đó, hình ảnh của Thanh là thế.

Ông Huỳnh Trung Bá, người mang mật danh DO28, một người hiền lành đã từ tốn, rành rọt kể về người đồng đội nhỏ tuổi của mình với biết bao trìu mến và nuối tiếc.

Nhưng trong cuộc tiếp xúc hàng giờ đồng hồ với ông, chúng tôi rất ngạc nhiên là ông chưa một lần nhắc về cuộc đời hoạt động của mình.

Thật may, chúng tôi được gặp bà Đào Thị Anh, mẹ của Thanh từ Thành phố Hồ Chí Minh về thăm các con ở Đà Nẵng. Bà Anh đã 77 tuổi. Người còn khỏe mạnh, tươi tỉnh, mắt còn xâu được kim, răng còn chắc, ăn trầu đỏ tươi như thời còn trẻ. Bà ít nói, chỉ hay cười. Bà ăn ngủ đều đặn. Trưa ngủ một tiếng. Tối, ngủ từ 9 giờ đến 5 giờ sáng một mạch không thấy trăn trở.

Bà không giận ai, trách ai, không nặng lời với ai dầu chỉ một lần.

- Thưa mẹ, chúng con muốn biết một vài kỷ niệm của mẹ về em Thanh.

- Tôi không quên một đứa con nào từ thuở chúng còn nằm trong bụng. Đứa nào tôi cũng quý yêu. Con Thanh sống với tôi ít quá, chỉ hơn mười năm. Nhưng nó luôn hiện về trong tôi, trong tình mẫu tử của tôi… Kể về con, kể bao giờ cho hết?

Tôi không bao giờ muốn kể về các con tôi. Giữ lại trong lòng, các con sẽ ở mãi trong mình cho tới lúc mình qua đời. Kể về chúng nó là để chúng nó xa mình,buồn lắm, thương lắm… Nhưng các chú muốn, tôi không nỡ từ chối.

Trước hết, tôi muốn các chú nghe chuyện con Thanh với ba nó.

Ba con Thanh đau nhiều năm liền. Nặng nhất là từ khoảng sáu hai đến sáu tư, ổng rất sợ ánh sáng suốt ngày đêm chỉ nằm trong buồng kín bưng. Chạy hết thầy hết thuốc, cũng không khỏi. Ông rất khó tính. Chỉ có tôi và con Thanh là chăm sóc ổng được mà thôi. Từ việc thay quần áo, tắm rửa, bón ăn… Thanh đều làm gọn gàng, sạch sẽ, chu đáo, dịu dàng…

Thanh luôn ở bên ba. Thanh kể lại cho ba nghe chuyện Chú Bé tí xíu mà người anh của Thanh là Huỳnh Kim Khánh bịa ra, kể hết đêm này qua đêm khác cho anh chị em Thanh nghe. Kể ba năm chưa hết chuyện, tới chỗ gay cấn, hấp dẫn nhất, thì Khánh ngừng kể, hẹn ngày mai kể tiếp…

Thanh có trí nhớ tốt. Nó đã kể lại chuyện Chú Bé tí xíu cho ba nó nghe với nhiều thêm bớt cho hợp với ba nó. Không chỉ có chuyện Chú Bé tí xíu, Thanh còn kể nhiều chuyện trong xóm ngoài làng em để ý nghe được. Nhờ con Thanh, ông còn biết nhiều chuyện hơn là những người sống ngoài đời…

Như tôi đã nói, ông đau chi lạ, không có thuốc chi chữa trị được. Một lần nghe người ta mách bên Xuyên Trường có ông thầy Nhẫn biết một loại cây thuốc quý ở trong núi Thắm, chữa được bệnh cho ổng, con Thanh xin đi liền. Năm đó nó chưa đầy chín tuổi. Nó đi một ngày, hai ngày chưa về, cả nhà đều lo. Ba nó sợ mất con Thanh, ổng bắt đền tôi, bắt đền bà nội con Thanh. Ổng kêu Thanh ơi Thanh hỡi suốt cả ngày lẫn đêm, khản cả tiếng. Người ổng như điên. Tưởng ổng không qua nổi. Đến ngày thứ ba, con Thanh mang cây thuốc về. Con Thanh chạy ào vào buồng gặp ba nó. Nó nói: “Lần ni nhất định ba hết bịnh rồi…”. Mà lạ thay, thuốc chưa uống mà bịnh ba nó bớt phân nửa.

Ba con Thanh đau vậy mà hai mắt sáng quắc, có một thần lực ghê lắm. Có lần đàn chuột đuổi nhau chí chóe trên trần nhà, ổng nhìn sững, đàn chuột bỗng run bắn, rơi xuống, nằm im. Một lần khác, vào buổi trưa, ông nhìn ra giàn bí đỏ, thấy trái bí to quá, ông cũng nhìn sững một lúc thì cuống trái bí bị đứt, trái bí rơi xuống đất…

Hình như ổng có truyền cho con Thanh một chút bí hiểm nào đó.

Chuyện ba con con Thanh là thế. Còn chuyện nó đi công tác cho chú Cung, chú Thường, chú Tám… thì khỏi nói. Bởi nó đi hoài, đi hoài biết chi mà kể. Tôi không sợ nó ra thành phố hay đi đâu đó, tôi chỉ sợ con đường từ nhà lên Kỳ Lam qua Số Sáu, hay qua Xuyên Trường xuôi Nam Phước vì ngoài bom pháo nện bất ngờ và thường xuyên, còn cả từng bãi mìn của du kích nữa…

Có một lần, Thanh đau chưa khỏi nhưng có công chuyện gấp, mấy chú giao, nó phải đi. Chưa sáng nó đã ló lên khỏi miệng hầm, nhìn về hướng mặt trời mọc. Tay xách túi, tay xách nón, chờ trời hửng sáng là đi. Nó đi gần tới bến đò Lam thì đụng pháo kéo một vệt dài từ Tây Xuyên xuống Bàu Lỡ.

Ngồi dưới hầm ruột gan tôi như lửa đốt. Ngớt pháo, tôi liền xuống phía Am Bắc Tân, thì gặp ngay một trận pháo khác chụp trên đầu. Tôi đội bom đạn chạy về hầm. Pháo dứt, bom ngưng, không khí bỗng lạnh ngắt khác thường. Như có điềm báo chẳng lành…

Tôi vừa ló lên khỏi miệng hầm định đi tìm, liền thấy nó đứng ngay trước mặt, như từ dưới đất chui lên. Chưa kịp hỏi, đã nghe giọng nó bình tĩnh:

- Bọn Mỹ lên đặc sông, đen đất… Con qua Xuyên Trường xuôi Nam Phước được không má?

- Mòi ni chắc càn to. Chưng chửng coi thử đã con…

- Con phải đi. Không thì trễ mất.

Nói xong câu ấy, nó lại đi một mình. Một mình nó băng qua cánh đồng rộng không một bóng người, bóng trâu, bò. Nó sao mà nhỏ nhoi…

Nó đi chưa dập miếng trầu, lại nghe pháo, B52 rải thảm theo gót chân nó.

Trời chiều sập xuống dần trong bom đạn.

Đêm đó tôi không sao ngủ được.

Quá nửa đêm, ba con Thanh đập lưng tôi: “Má thằng Anh nghe thử có phải con Thanh về đó không…?”.

Tôi chui lên khỏi miệng hầm lắng nghe, chẳng thấy động tĩnh gì. Có lẽ ổng mong con Thanh quá, tưởng ra thế. Không ngờ, một lúc sau con Thanh về thật. Con Thanh về, căn hầm bỗng vững chắc hơn. Chẳng ai còn sợ, còn lo lắng chi nữa.

Thanh kể: “Con vô tới chỗ mả xây thì đụng pháo. Con ép mình vào một tấm bia to, định ngớt pháo, vọt qua cánh đồng, là thoát. Nhưng pháo gần quá. Đất đá quăng đùi đụi, con phải bò xuống đìa nấp. Pháo ngưng, mừng muốn chết. Chưa kịp đứng dậy đã nghe trực thăng phành phạch trên đầu. Loáng cái. Mỹ đổ quân kín đất. Chúng nó triển khai đào hầm ngay trên lợi đìa chỗ con nấp. Con chui vào hờm đìa, cỏ tre che kín. Bỗng một thằng Mỹ lò dò xuống tìm chỗ ị. Giày của nó chút nữa là đụng con. Hú vía!

Quá chạng vạng, con định bứt vòng vây Mỹ, đi tiếp. Nhưng nghĩ lại, thấy nguy quá, đành nằm im chờ. Chờ bọn Mỹ ngủ say, con bò về… Ngày mai rồi có cách…”.

Ngày mai, nó lại đi lọt như bao lần khác. Con bé thật chẳng giống ai. Chẳng biết ai đẻ ra nó khôn từ trong trứng rứa không biết…

Bà Đào Thị Anh kể tới đó, bỗng bà cười như hiểu ra điều mình vừa nói. Bà cười trong veo, đẹp lão lạ thường. Chúng tôi nhìn bà cười như nhìn thấy một hạnh phúc có thật trong đời một người mẹ Anh hùng mà không bao giờ biết mình là người anh hùng. Bà luôn tưởng mình chỉ là một bà mẹ bình thường như ngàn bà mẹ khác sống ở chung quanh…

SÂM NGỌC LINH