QĐND - Khi bản làng vẫn còn chìm trong giấc ngủ, chúng tôi cùng “Tổ quân y xung kích” gồm những cán bộ, y, bác sĩ và lực lượng trí thức trẻ tình nguyện thuộc Bệnh xá Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 337 (Quân khu 4) thức dậy làm công tác chuẩn bị cho chuyến hành quân về khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí giúp đồng bào Vân Kiều ở thôn Cát, xã Hướng Sơn, thuộc Khu KT-QP Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị.

Vượt quãng đường rừng 25km từ trung tâm xã vào đến thôn Cát, thôn Trỉa, hai thôn xa nhất, khó khăn nhất phải mất nửa ngày đi đường. Để đến được hai thôn kể trên, chúng tôi chỉ có thể đi bộ trên con đường độc đạo, qua nhiều khe suối, đèo dốc. Sau chặng đường hành quân, dù đã thấm mệt, nhưng khi vào đến nơi, các y, bác sĩ vẫn nhanh chóng bắt tay vào việc. Từng người trong “Tổ quân y xung kích” đã trực tiếp đến từng hộ gia đình khám, cấp thuốc cho bà con kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sức khỏe sinh sản, cách phòng, chống dịch bệnh, sinh hoạt hợp vệ sinh... 

"Tổ quân y xung kích" Đoàn KT-QP 337 khám bệnh giúp bà con thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Đồng hành và chứng kiến công việc thầm lặng của các thầy thuốc quân y thuộc Bệnh xá Đoàn KT-QP 337, chúng tôi mới hiểu phần nào về tinh thần hết mình vì sức khỏe đồng bào và những tình cảm của bà con dành cho các y, bác sĩ. Ông Hồ Văn Trai, 70 tuổi, ở thôn Cát bị bệnh tai biến mạch máu não hơn một năm. Khi mới bị bệnh, bản thân ông rất bi quan, chán nản, dẫn đến buông xuôi cho số phận. Nhờ “Tổ quân y xung kích” thường xuyên đến khám, chữa bệnh cho ông mà hôm chúng tôi đến, ông đã tự ngồi dậy để tiếp khách.

- Biết tin tôi bị bệnh, các chú đã đến vận động gia đình đưa tôi đến bệnh xá đơn vị để được khám bệnh, chữa trị, tư vấn và cấp thuốc miễn phí. Nhờ sự động viên thăm hỏi và điều trị của các bác sĩ mà nay bệnh tật của tôi đã thuyên giảm. Gia đình tôi biết ơn các bác sĩ bộ đội nhiều lắm-ông Hồ Văn Trai xúc động nói với chúng tôi.

Về thôn Ra Lỳ, xã Hướng Sơn, chúng tôi được tổ công tác dẫn đến nhà ông Hồ Văn Em, 88 tuổi, bị bệnh viêm phế quản mãn tính và xơ gan. Gia đình ông Em thuộc diện hộ nghèo, nhà đông con cháu nên không có tiền chữa trị. Mặt khác, gia đình ông lại tin vào thờ cúng để chữa bệnh... Bởi thế, bệnh tình ngày một trầm trọng. Trong lần hành quân về địa bàn, biết được gia cảnh của ông Em, “Tổ quân y xung kích” đã tiến hành khám, cấp thuốc miễn phí, vận động gia đình đưa ông đến điều trị tại bệnh xá và các cơ sở y tế trên địa bàn. Được tư vấn khám và điều trị kịp thời, đến nay, ông Em đã qua cơn bạo bệnh.

Còn với anh Hồ Văn Dang sinh năm 1972, trú tại thôn Choa, xã Hướng Phùng thì các y, bác sĩ trong “Tổ quân y xung kích” của bệnh xá chính là những người “sinh” ra anh lần thứ hai. Hôm đó, ngày 26-10-2014, trong lúc làm rẫy, anh bị rắn độc cắn vào chân. Với cách làm dân gian, anh đã dùng lá cây rừng và rượu để chữa nọc độc. Vết thương không lành mà trở nên tím tái, phù nề, rất nguy hiểm đến tính mạng. Biết tin, “Tổ quân y xung kích” của Bệnh xá cử bác sĩ đến sơ cứu và đưa anh về bệnh xá chữa trị.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, Bệnh xá Đoàn KT-QP 337 đã thành lập hai “Tổ quân y xung kích” gồm các y, bác sĩ, trí thức trẻ tình nguyện có chuyên môn cùng trang bị, dụng cụ y tế, một xe cứu thương... trực cấp cứu 24/24 giờ và sẵn sàng cơ động khi nhân dân bị bệnh, tai nạn rủi ro... Ngoài ra, hằng năm, đơn vị còn tổ chức từ 7 đến 8 đợt hành quân về địa bàn 5 xã trong Khu KT-QP Khe Sanh để khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người dân.

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy, bác sĩ Thái Bá Vĩnh, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Đoàn KT-QP 337 cho biết: “Trước đây, mỗi khi trong bản có người ốm nặng hoặc bị tai nạn, bà con đều nói: “Tại con ma rừng nó muốn bắt đi”. Và để cứu người thân trong gia đình, họ thường nhờ đến thầy mo, thầy cúng, không ít trường hợp bị chết oan bởi các hủ tục lạc hậu này. Để giải quyết vấn đề đó, đơn vị đã tích cực phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, các xã trong vùng dự án tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh, tư vấn và cấp thuốc miễn phí kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân mỗi khi có bệnh phải đến cơ sở y tế chữa trị. Những việc làm của các y, bác sĩ đơn vị đã làm thay đổi nhận thức, quan niệm và cách ứng xử của đồng bào mỗi khi có bệnh”.

Bệnh xá Đoàn KT-QP 337 đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của đồng bào các dân tộc vùng dự án KT-QP Khe Sanh. Và những thầy thuốc, trí thức trẻ tình nguyện trong các “Tổ quân y xung kích” thực sự là “115”-Đội cấp cứu khẩn cấp của nhân dân nơi biên cương Tổ quốc.

Bài và ảnh: LÊ XUÂN LIỆU