Trong đời sống xã hội, ngôn từ và hành động đều rất cần thiết và quan trọng. Nếu ngôn từ là công cụ để thể hiện tư duy, giúp chúng ta bày tỏ tâm tư, tình cảm, suy nghĩ thì hành động là sự hiện thực hóa những điều đó bằng việc làm cụ thể. Và từ hai hình ảnh so sánh trên, câu ngạn ngữ đã nhấn mạnh giá trị của hành động thiết thực có ý nghĩa hơn những lời nói suông. Nói cách khác, chỉ có hành động thiết thực mới thể hiện chính xác nhất phẩm chất, năng lực của mỗi người.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: thuvienphapluat.vn 

Vấn đề được nêu lên qua câu ngạn ngữ đã thể hiện quan điểm hết sức đúng đắn vì chỉ qua hành động thực tiễn mới khẳng định được tư duy, nhận thức, năng lực, uy tín... của một cá nhân. Trong đời sống sinh hoạt và thực tiễn công việc hằng ngày, chúng ta dễ dàng nhận thấy những người có tư tưởng “hành động” bao giờ cũng có ý thức thể hiện phẩm chất, năng lực thông qua những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể, mang lại lợi ích chính đáng cho bản thân và tập thể, cộng đồng. Họ âm thầm, lặng lẽ làm việc, cống hiến mà không suy tính thiệt hơn, không trông chờ được ghi nhận thành tích, không mong đợi chức quyền, địa vị. Ngược lại, với những kẻ bất tài nhưng cơ hội, lại tìm cách thể hiện mình bằng những ngôn từ hoa mĩ, bóng bẩy để mưu cầu danh lợi. Suy cho cùng, đó là những kẻ “thùng rỗng kêu to”, là phép biến hóa của những người chỉ biết “mồm mép đỡ chân tay”, những kẻ nói thì hay, làm thì dở, nói một đằng, làm một nẻo và thậm chí là nói mà không làm.

Những biểu hiện kể trên không chỉ đã và đang tồn tại trong đời sống xã hội mà đó cũng chính là những thứ bệnh của cán bộ, đảng viên, là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận diện và có bài viết “Chống thói ba hoa” trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947). Người chỉ rõ “Chúng ta chống bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, đồng thời cũng phải chống thói ba hoa. Vì thói này cũng hại như hai bệnh kia. Vì ba thứ đó thường đi với nhau. Vì thói ba hoa còn, tức là bệnh chủ quan và bệnh hẹp hòi cũng chưa khỏi hẳn”.

Từ thực tiễn trong công việc và đời sống hằng ngày là minh chứng rõ nét, giúp chúng ta khẳng định, chỉ có hành động đúng đắn mới tạo ra những giá trị thật, có ích cho xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh thêm, trong rất nhiều trường hợp cụ thể, ngôn từ, lời nói cũng chính là hành động. Ví như lời của thầy cô giảng bài, hay lời của cán bộ tuyên truyền và những phát ngôn chân chính luôn có ý nghĩa như những hành động-giọt vàng. Ngôn từ là “bọt nước” khi nó trở thành lời của những kẻ nói suông, chỉ biết nói hay và thường hứa hẹn nhiều điều nhưng không bao giờ hành động nhằm hiện thực hóa những lời đã hứa.

Thượng tá TRẦN TRUNG HIẾU (Học viện Chính trị)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.