Học viện KTQS là trung tâm đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ chỉ huy quản lý kỹ thuật có trình độ đại học, sau đại học cho quân đội và đất nước, đồng thời thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (NCKH), tư vấn khoa học kỹ thuật, triển khai dịch vụ khoa học công nghệ (KHCN)... phục vụ quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội. Mục tiêu của học viện là đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; có trình độ, kiến thức nền vững chắc, kiến thức chuyên ngành chuyên sâu; có năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn và hội nhập quốc tế; có khả năng tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ và thích nghi với mọi hoàn cảnh... đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở những kết quả, thành tích của nhiệm kỳ trước, yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhiệm kỳ 2020-2025, Học viện KTQS xác định tiếp tục tập trung đổi mới sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, NCKH, phấn đấu đến năm 2027 được công nhận là trường đại học nghiên cứu, đến năm 2030 trở thành trường đại học nghiên cứu thuộc tốp đầu về KHCN của đất nước, có lĩnh vực đạt đẳng cấp khu vực và từng bước hội nhập quốc tế.
Để góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết của tổ chức đảng các cấp, hoàn thành những mục tiêu đề ra, trước hết, học viện quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động của cấp trên; xây dựng Đảng bộ Học viện đoàn kết, thống nhất, thực sự vững mạnh về mọi mặt, đồng thời, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng cao, cơ cấu chuyên môn phù hợp, bảo đảm về số lượng, phấn đấu đến năm 2025 có hơn 85% giảng viên, cán bộ nghiên cứu có trình độ thạc sĩ trở lên, 48-52% có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học (trên 55% đối với các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu), hơn 15% là giáo sư, phó giáo sư, hơn 1,2% đạt danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; hơn 55% giảng viên chuyên ngành, cán bộ nghiên cứu có trình độ tiếng Anh B2 quốc tế trở lên, các ngôn ngữ khác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trên 30% giảng viên chuyên ngành có khả năng giảng dạy bằng ngoại ngữ. Đến năm 2030, hơn 90% đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên; khoảng 55-60% có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học (trên 60% đối với các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu); trên 20% là giáo sư, phó giáo sư; hơn 1,5% đạt danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; hơn 60% giảng viên chuyên ngành, cán bộ nghiên cứu có trình độ tiếng Anh B2 quốc tế trở lên; trên 40% giảng viên chuyên ngành có khả năng giảng dạy bằng ngoại ngữ. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ kỹ thuật viên, nhân viên kỹ thuật.
Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung nội dung chương trình đào tạo bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và phương thức tổ chức bảo đảm kỹ thuật của quân đội; nghiên cứu mở mới các ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quân đội, cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, gắn với thực hiện kế hoạch đào tạo sau đại học đạt tiêu chí của trường đại học nghiên cứu vào năm 2025. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, sư phạm thông minh (sử dụng công nghệ mô phỏng, phần mềm, tài liệu điện tử, các thành tựu của CMCN 4.0...), kết hợp giảng dạy trên lớp và giảng dạy trực tuyến; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống ngân hàng bài giảng, kho học liệu video phục vụ việc tra cứu, học tập, bồi dưỡng chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm... theo mô hình đào tạo trực tuyến. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ các học phần sử dụng hệ thống học tập trực tuyến đạt 20-25%. Chú trọng nâng cao chất lượng đồ án, luận văn, luận án theo hướng có sản phẩm được ứng dụng vào thực tiễn, đến năm 2025 phấn đấu có 15-20% đề tài, luận văn gắn với đề tài, dự án KHCN và nhu cầu thực tế tại đơn vị; tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng thực hành, thực tập, gắn đào tạo với thực tiễn đơn vị. Quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nâng dần chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tăng số lượng đồ án tốt nghiệp, luận văn, luận án viết và bảo vệ bằng ngoại ngữ. Phấn đấu đến năm 2025, 20% học phần chuyên ngành nói chung, riêng các chương trình đào tạo kỹ sư quân sự chất lượng cao 100% học phần chuyên ngành có thể giảng dạy bằng ngoại ngữ.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN, bám sát định hướng KHCN của Nhà nước, các hướng hiện đại hóa, thực tiễn huấn luyện, SSCĐ của quân đội và tiêu chí trường đại học nghiên cứu, đưa NCKH thành hoạt động tự giác của mỗi cán bộ, giảng viên. Theo đó, học viện tích cực, chủ động tham gia hiệu quả vào các chương trình, đề án KHCN của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, nhất là các hướng hiện đại hóa quân đội, các hướng ưu tiên phát triển của Nhà nước, đẩy mạnh hoạt động KHCN định hướng sản phẩm, gắn với đơn vị, phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, bảo đảm kỹ thuật, hiện đại hóa công tác chỉ huy, quản lý điều hành. Phấn đấu mỗi năm được phê duyệt 2-3 đề tài cấp quốc gia, 15-20 đề tài cấp bộ, ngành. Phát huy thế mạnh liên ngành trong NCKH, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu phát triển với sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu của học viện. Phấn đấu đến năm 2025 có 20 nhóm nghiên cứu mạnh và đạt tiêu chí của trường đại học nghiên cứu về KHCN.
Đồng thời, Học viện KTQS tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, duy trì, phát triển tốt quan hệ với các đối tác truyền thống, hợp tác hiệu quả với các đối tác mới có tiềm năng; tăng cường hợp tác trong đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ, phấn đấu trong nhiệm kỳ có công bố chung hơn 25 đề tài hợp tác quốc tế, có 1-2 sản phẩm hoặc công nghệ cùng hợp tác. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án quy hoạch, phát triển học viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghị quyết, kế hoạch xây dựng học viện theo mô hình nhà trường thông minh; kế hoạch thực hiện Chương trình hành động đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0; chú trọng đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở kỹ thuật phục vụ đào tạo và NCKH chuyên sâu, phấn đấu đến năm 2025, học viện có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của trường đại học nghiên cứu...
Thiếu tướng CAO MINH TIẾN, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Kỹ thuật quân sự