Thiếu cán bộ chuyên trách xây dựng Đảng

Gần trưa một ngày cuối tuần tại xã Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội), dù trời trở lạnh nhưng đồng chí Trần Quang Anh, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã vẫn mướt mồ hôi. Đón chúng tôi, anh mở lời chân chất: “Cán bộ xã đang phải “chạy đua” với thời gian, chia nhau ra để theo dõi những phần việc, quyết tâm sớm hoàn thiện các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản, góp phần đưa huyện Đan Phượng trở thành quận vào năm 2025”.

Nói rồi đồng chí Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã đến bàn làm việc chuẩn bị tài liệu cho cuộc trao đổi với chúng tôi về kết quả công tác xây dựng Đảng ở đảng bộ xã. Vừa thao tác in ấn, anh vừa trải lòng: “Giá như có một đồng chí cán bộ chuyên trách mảng văn phòng đảng ủy thì hay biết mấy. Giờ ở xã chỉ có cán bộ chuyên trách công tác văn phòng cho HĐND và UBND nên anh em thật sự rất vất vả!”.

Vì thấu hiểu vất vả của cán bộ “văn phòng dùng chung” nên cả đồng chí Bí thư Đảng ủy và Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã đều xắn tay làm mọi việc, vừa soạn thảo nghị quyết, họp hành, chỉ đạo, đi cơ sở; vừa trực tiếp đánh máy, soạn thảo các văn bản, tài liệu...

leftcenterrightdel
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên thăm mô hình trồng dứa của nhân dân huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. 

Tại các xã, phường, thị trấn trên cả nước, gần như đều gặp hoàn cảnh tương tự. Do quy định về khung biên chế, 100% các đảng ủy xã, phường, thị trấn hiện nay không có văn phòng đảng ủy xã, cũng không bố trí cán bộ giúp việc đảng ủy xã. Đội ngũ cán bộ cơ sở trăn trở, cho rằng chỉ cần “cắt” một biên chế bên chính quyền (theo biểu biên chế) sang thực hiện nhiệm vụ bên văn phòng đảng ủy thì sẽ rất tiện cho công tác quản lý, điều hành. Trên thực tế, nhiều nơi buộc phải linh động vận dụng như vậy, nhưng xem ra, đây chỉ là giải pháp tạm thời và cũng chưa đúng với quy định của trên.

Đội ngũ cán bộ cơ sở trăn trở: Nói là công tác xây dựng Đảng có vị trí hết sức quan trọng-là việc gốc của Đảng, thế nhưng trong khung biên chế cấp xã hiện chỉ có hai vị trí chuyên trách lĩnh vực này (đó là bí thư đảng ủy xã và phó bí thư thường trực đảng ủy xã). Hai cán bộ chuyên trách ấy phải chỉ đạo hàng chục tổ chức đảng (chi bộ), có nơi lên đến hàng nghìn đảng viên. Trong khi cả hai vị trí này đều phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều cương vị khác nhau bên HĐND, chính quyền, LLVT và đoàn thể... Ví như đồng chí phó bí thư thường trực đảng ủy xã, phường, thị trấn thường phải đảm nhiệm thêm cương vị chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, phụ trách các lĩnh vực: Tổ chức, tuyên giáo, dân vận, các tổ chức đoàn thể quần chúng... Nhiều cán bộ giữ vị trí này cho rằng hiện công việc quá vất vả, cả về đầu việc, cường độ làm việc với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và tiến độ.

Kết quả khảo sát ở một số đảng bộ xã, phường, thị trấn thuộc các tỉnh: Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum và TP Hà Nội cho thấy: Hơn 96% cán bộ, công chức xã đánh giá vị trí bí thư đảng ủy xã và phó bí thư thường trực đảng ủy xã quá vất vả so với các vị trí công tác khác; 92% cán bộ, công chức cho rằng việc kiêm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau của lãnh đạo xã đang chi phối lớn đến chất lượng công tác xây dựng Đảng; 92% cán bộ cho rằng việc tham gia hội họp và tiến hành công tác tổng hợp-báo cáo (theo ngành dọc) tốn quá nhiều thời gian và công sức...

Trước thực tế đó, nhiều cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện cũng thẳng thắn đề xuất, về lâu dài cần nghiên cứu, có giải pháp bổ sung số lượng cán bộ chuyên trách công tác Đảng ở cấp xã. Trước mắt, cần sớm xem xét, bố trí cán bộ văn phòng đảng ủy xã; vừa giúp đảng ủy về công tác hành chính, văn phòng; vừa có nguồn đào tạo, bồi dưỡng phát triển lên các vị trí chuyên trách công tác Đảng về sau.

Liệu có “tinh giản ngược”?

Ở cơ sở, việc thiếu cán bộ chuyên trách công tác Đảng là một thực tế nhức nhối, nhưng quan ngại hơn là hiện nay, biên chế cấp xã, phường, thị trấn, công chức vốn đã yếu thì lại ngày càng thiếu.

Được biết, bộ máy biên chế của cấp xã, phường, thị trấn hiện nay cơ bản chỉ có 21 biên chế; một số nơi là 23, 25 biên chế (tùy loại xã). Thế nhưng, tuyển được cán bộ, công chức vào làm việc thì nhân sự chỉ có ngần ấy chuyên ngành đã “khớp” từ đầu với các vị trí công tác khác nhau, mang tính đặc thù (có nghĩa, mỗi người mỗi việc-mỗi vị trí, chức vụ công tác). Thế nên việc sắp xếp cán bộ chỉ loanh quanh trong ngần ấy nhân sự; lại khó luân chuyển từ cán bộ sang công chức và ngược lại. Hơn thế, việc quy hoạch chỉ là 1,5 nhân sự cho các vị trí; ngay cả quy hoạch ban chấp hành đảng bộ xã, phường, thị trấn trong nhiệm kỳ cũng không biết nên xoay chuyển thế nào để bảo đảm số lượng theo các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định. Nhiều cán bộ đầu ngành cấp xã như chủ tịch hội phụ nữ, bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch hội cựu chiến binh đã hết nhiệm kỳ hoặc hết tuổi nhưng không tìm ra nguồn thay thế...

Đội ngũ cán bộ cơ sở băn khoăn, ngày trước, một xã ít dân thì số lượng cán bộ đã thế, nhưng đến nay, sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập xã, phường, thị trấn thì dân cư tăng gấp nhiều lần, địa bàn rộng hơn, nhiệm vụ cũng vì thế trở nên nặng nề gấp bội, nhưng số lượng cán bộ cấp xã, phường, thị trấn thì vẫn như thế, thậm chí là ít biên chế hơn. Đây là thực tế đang gây nhiều khó khăn cho cơ sở.

Đồng chí Đinh Văn Điết, Chủ tịch UBND huyện Minh Long (Quảng Ngãi) nêu chính kiến: "Tôi nghĩ, hệ thống chính trị cũng giống như một cây đại thụ, thân cây muốn phát triển thì gốc phải vững chắc. Mà gốc ở đây chính là tổ chức đảng cơ sở, hệ thống chính trị cơ sở và đội ngũ cán bộ cơ sở. Chúng ta không thể không tinh giản biên chế ở cơ sở, nhưng phải căn cứ vào thực tế để có giải pháp hợp lý. Nếu rễ cây mà thưa ít, không đủ sức bám vào mảnh đất quần chúng thì thật sự rất đáng lo ngại”.

Theo nhiều cán bộ cơ sở, ở thời điểm hiện tại, việc thấu triệt quan điểm của Trung ương về tập trung tinh giản biên chế khâu trung gian là xu hướng cần quan tâm, triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương (theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả). Thế nhưng tính đến nay, dù đã gần 6 năm quyết liệt tinh giản khâu trung gian nhưng kết quả xem ra vẫn chưa có sự biến chuyển căn bản; thậm chí còn có xu hướng sáp nhập cơ học và bị phình ra ở nhiều cơ quan, bộ phận trung gian. Trong khi ở cấp xã, phường, thị trấn thì việc tinh giản lại thực hiện rất ráo riết, triệt để. Tất nhiên, việc tinh giản biên chế ở cơ sở là một chủ trương rất đúng đắn, thế nhưng cơ sở đang rất băn khoăn khi nhiều cán bộ có tâm huyết, trách nhiệm ở cơ sở lại nằm trong đối tượng tinh giản. “Nhiều cán bộ xung phong thực hiện chủ trương tinh giản và chấp nhận chịu nhiều thiệt thòi. Thế nhưng công bằng mà nói, những cán bộ có đủ tư cách tự xin nghỉ, tự chấp nhận thiệt thòi thì chính họ mới là cán bộ tốt, được nhân dân tôn trọng, yêu quý”, đồng chí Trần Công Lập, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Thái (Văn Yên, Yên Bái) khẳng định.

NGUYỄN TẤN TUÂN