Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá, việc sửa đổi Luật Công an nhân dân (CAND) lần này là rất cần thiết để đáp ứng những đòi hỏi mới từ thực tiễn, trong đó có các vấn đề về đổi mới, sắp xếp bộ máy; chính quy hóa công an xã, thị trấn; phát triển công nghiệp an ninh trong mối quan hệ thống nhất với công nghiệp quốc phòng...
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy
Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật CAND (sửa đổi) nêu rõ, dự thảo luật có 7 chương, 48 điều, so với luật hiện hành bổ sung 4 điều; sửa đổi, bổ sung 31 điều; bỏ 1 điều. Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Cụ thể, Bộ Công an không tổ chức cấp tổng cục, nâng cao chất lượng cấp cục trực thuộc bộ; sáp nhập cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với công an tỉnh; xây dựng công an xã, thị trấn chính quy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm của Bộ Công an.
Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật CAND trong thời điểm hiện nay là cấp bách, cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành với nội dung của dự thảo luật về việc không quy định cơ cấu, phân loại lực lượng An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân để phù hợp với mô hình mới của Bộ Công an và tạo thuận lợi, linh hoạt đối với hoạt động chỉ đạo, điều hành công tác cán bộ, góp phần nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo mô hình tổ chức mới.
Đánh giá Bộ Công an đã đi đầu trong việc thực hiện nghiêm túc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, bộ máy, đại biểu Bùi Mậu Quân (đoàn Hải Dương) đồng tình với nội dung không quy định về cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, các địa phương đang tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy thì sáp nhập lại để bảo đảm chỉ có một lực lượng công an. “Theo báo cáo, đến năm 2021, Bộ Công an không tăng thêm biên chế, cơ cấu cấp bộ sẽ gọn lại, chủ yếu chuyển lực lượng về các địa phương. Cấp bộ chú trọng công tác tổ chức, hướng dẫn và xử lý những vụ việc phức tạp”, đại biểu Bùi Mậu Quân đánh giá.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, nhiệm vụ của lực lượng công an so với 10 năm trước đây khác rất nhiều, nặng nề, phức tạp hơn. Trong đó, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, độc lập an ninh, lợi ích quốc gia đã có những bước phát triển, không chỉ trong phạm vi quốc gia, lãnh thổ mà ở đâu có người Việt Nam chúng ta đều phải bảo vệ. “Chúng ta cũng phải đối mặt với an ninh phi truyền thống mang tính quốc tế, đó là tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, buôn bán ma túy, buôn bán động vật hoang dã, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng...”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết. Công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội cũng có mục tiêu khác trước, không chỉ là đấu tranh phòng, chống tội phạm mà còn nhiều nhiệm vụ quan trọng, như hướng dẫn chấp hành pháp luật, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, nhận thức nhiệm vụ của lực lượng công an nặng nề, khó khăn hơn trước, do đó phải bố trí lực lượng công an thế nào để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Trước đây, có sự phân tách lực lượng An ninh nhân dân và lực lượng Cảnh sát nhân dân, thực tế hiện nay có nhiều lực lượng dùng chung như kỹ thuật, tổ chức cán bộ, lực lượng xây dựng, do vậy, không còn ranh giới giữa an ninh và cảnh sát. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, chức năng, nhiệm vụ chung của Bộ Công an không thay đổi, chỉ bố trí lại lực lượng cho phù hợp và bảo đảm thực hiện chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ.
 |
Khối sĩ quan an ninh nhân dân trong Lễ mít tinh diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9. Ảnh: MINH TRƯỜNG.
|
Chính quy hóa lực lượng công an xã, thị trấn
Một trong những điểm đáng chú ý của Dự án Luật CAND (sửa đổi) là bỏ điều khoản quy định công an xã là lực lượng bán chuyên trách; đồng thời, bổ sung một khoản vào Điều 18 với nội dung: “Chính phủ quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy”. Về tổ chức bộ máy sẽ bố trí phù hợp với đặc điểm tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn xã, thị trấn. Hiện nay, có 1.065 công an xã, thị trấn đã được bố trí công an chính quy; còn 8.516 đơn vị chưa được bố trí. Để xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an trong biên chế hiện có, xuống đảm nhận các chức danh công an xã, bảo đảm không tăng thêm biên chế. Việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức đang làm trưởng công an xã, thị trấn do Chính phủ chỉ đạo.
Đồng tình với nội dung trong dự án luật, đại biểu Trần Văn Túy (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, việc lực lượng công an xã hiện nay không được đào tạo chính quy về chuyên môn, nghiệp vụ nên khó nâng cao công tác bảo đảm an ninh cơ sở trong khi kinh tế-xã hội các địa phương ngày càng phát triển. Từ thực tế tại địa phương, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (đoàn Ninh Thuận) cũng nhìn nhận, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn hiện nay chủ yếu do công an xã đảm nhiệm nhưng lực lượng này còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. “Công an xã là lực lượng bán chuyên trách nên chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ. Mô hình công an xã chính quy đã cho thấy những hiệu quả nhất định trong thực tế. Tôi cho rằng, trước mắt có thể bố trí công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm, sau đó thực hiện thống nhất trên cả nước”, đại biểu Phạm Huyền Ngọc bày tỏ.
Đối với vấn đề chính quy hóa công an xã, thị trấn, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, cấp xã, phường, thị trấn về mặt hành chính tương đương nhau, không thể đánh giá công tác bảo đảm an ninh, trật tự của phường phức tạp hơn xã, thị trấn. “Việc ngăn ngừa tội phạm phải ở cấp cơ sở như phường, xã là chính, do vậy, nếu không có lực lượng công an chính quy ở xã thì rất bất cập”, Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận. Bộ Công an đang thực hiện mô hình tổ chức tinh gọn, biên chế ở cấp bộ chỉ chiếm 15% tổng biên chế, còn 85% ở tỉnh, huyện, xã. Đối với lực lượng công an xã hiện tại sẽ có chính sách tuyển chọn để bổ sung vào công an chính quy, còn lại có thể tổ chức thành lực lượng trị an cơ sở giống như mô hình lực lượng dân quân tự vệ. Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, bộ đang đề xuất xây dựng luật về lực lượng trị an cơ sở để huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Dự án Luật CAND (sửa đổi) cũng có những quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND; về công nghiệp an ninh; thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức... Đối với công nghiệp an ninh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, theo quy định của Hiến pháp, công nghiệp quốc phòng, an ninh là thống nhất, không tách riêng công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh. Vì vậy, quy định về công nghiệp an ninh cần đặt trong mối quan hệ với xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, phù hợp với định hướng xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh là một bộ phận của công nghiệp quốc gia, theo hướng lưỡng dụng.
Trong phiên thảo luận tổ vào chiều 7-6, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về Dự án Luật Chăn nuôi. Sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.
MẠNH HƯNG - VŨ DUNG