Đặc biệt, trong sự kiện chính trị quan trọng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, lực lượng BĐBP đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền để nhân dân hiểu và thực hiện đúng.

Cũng giống như nhiều ngư dân khác, ông Lý Văn Út (ngụ khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, Thành phố Bạc Liêu) làm nghề khai thác biển nên thường xuyên hoạt động trên các tàu cá ngoài khơi. Ông Út có tất cả 8 tàu vận tải trên biển và thường xuyên hoạt động, chủ yếu đánh bắt gần bờ. Trong đợt phương tiện cập bến mới đây, ông và các ngư phủ được cán bộ, chiến sĩ (CBCS) biên phòng tuyên truyền về ngày toàn dân đi bầu cử. Trong đó, CBCS biên phòng nói rõ, bầu cử là thể hiện quyền, nghĩa vụ của mình đối với đất nước nên đến ngày bầu cử thì mọi công dân đều phải đi bầu để thể hiện quyền và nghĩa vụ đó. Được tuyên truyền nên bản thân ông và các ngư phủ đều hiểu được bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Chính vì thế mà đến ngày 23-5 tới đây, ông sẽ đi bỏ phiếu bầu và tạo điều kiện thuận lợi để các ngư phủ trên tàu đều tham gia bầu cử đầy đủ.

Bộ đội Biên phòng tuyên truyền bầu cử cho ngư dân 

Với gần 1.300 phương tiện đánh bắt thủy sản ngoài khơi, Bạc Liêu đang có gần 6.000 lao động trực tiếp sống bằng nghề biển. Ngoài ra, khu vực ven biển còn có hàng ngàn người làm dịch vụ hậu cần từ nghề này. Cuộc sống của nhiều ngư dân ven biển gắn liền với biển nhiều hơn ở đất liền. Xuất phát từ thực tế trên, mỗi CBCS BĐBP Bạc Liêu được xác định là một tuyên truyền viên làm cầu nối đưa thông tin về bầu cử đến với bà con trên toàn tuyến biên giới biển. Đại úy Đỗ Ngọc Bình, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nhà Mát (thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Bạc Liêu) cho biết: “Chúng tôi phân công lực lượng CBCS đến gặp gỡ từng hộ gia đình để tuyên truyền, nhắc nhở, kêu gọi mọi người tham gia bầu cử đầy đủ, đúng quy định. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh, với cuộc bầu cử lần này, người dân tham gia bầu cử 4 cấp, gồm: Bầu đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và bầu đại biểu Quốc hội. Vì vậy, ngoài việc tham gia bầu cử đúng quy định thì cử tri còn phải tìm hiểu về trình độ, năng lực, đạo đức, tác phong… của những người tham gia ứng cử đại biểu. Bởi những đại biểu tham gia ứng cử và nếu trúng cử sẽ là đại diện nhân dân tham gia vào cơ quan quyền lực của Nhà nước. Bầu chọn được những đại biểu ưu tú, có phẩm chất tốt, có nghiệp vụ chuyên môn cao, có uy tín với nhân dân để phục vụ Tổ quốc là quyền và cũng là nghĩa vụ của mỗi công dân ven biển”.

Tương tự tại tỉnh Kiên Giang, hiện nay, bà con trên các đảo sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng bè và đánh bắt thủy sản. Mỗi chuyến ra khơi ít nhất cũng một vài ngày, dài nhất tính bằng tháng. Riêng bà con nuôi cá lồng bè thì gần như ở ngoài lồng cá giữa biển, ít khi vào trong bờ. Vì vậy các cán bộ biên phòng ngày ít nhất 1 lần đi đến tận các bè cá, tàu ghe của bà con ngư dân mỗi khi cập bến để tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về phòng, chống dịch bệnh và những thông tin liên quan đến bầu cử để bà con thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Ông Lê Văn Sẻo, người dân xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Tỉnh Kiên Giang bộc bạch trong niềm vui: “Qua cán bộ biên phòng ngày nào cũng tuyên truyền, rồi xem tờ rơi, báo, đài, người dân chúng tôi đã hiểu và sẽ chấp hành bầu cử đúng, đủ".

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng tích cực tuyên truyền bầu cử cho các sư sãi tại các chùa. 

Còn tại Sóc Trăng, với đặc thù đông đồng bào Khmer sinh sống, để phù hợp với tập quán sinh hoạt, văn hóa nhân dân khu vực biên giới biển, CBCS đồn biên phòng đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền để dân dễ hiểu, dễ nhớ, hiệu quả nhất là tuyên truyền lưu động bằng “loa kẹo kéo”. Chỉ với một chiếc “loa di động”, tiếng loa biên phòng đã truyền thông điệp bầu cử đến tận đường làng, ngõ xóm. Tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thì được phát cả tiếng Việt và Khmer để bà con dễ hiểu. Trung úy Phan Văn Luận, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Lai Hòa, BĐBP Sóc Trăng cho biết: “Ngoài hình thức tuyên truyền lưu động, Đồn Biên phòng Lai Hòa còn phối hợp với xã Lai Hòa, xã Vĩnh Tân tuyên truyền cho các sư sãi tại các nhà chùa, khu dân cư, chợ dân sinh, hộ gia đình để hiểu đúng và thực hiện đúng trách nhiệm của công dân trong bầu cử”.

Bằng mô hình Tiếng loa biên phòng, lực lượng BĐBP tuyên truyền bầu cử cho bà con Khmer.

Nói về công tác tuyên truyền bầu cử, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Không những làm tốt công tác tuyên truyền bầu cử và phòng dịch Covid-19 mà CBCS biên phòng còn tăng cường phối hợp với các lực lượng của địa phương tuần tra, kiểm soát bảo vệ địa bàn, không để mất an ninh trật tự trước, trong và sau bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Địa phương rất yên tâm khi có CBCS biên phòng đóng trên địa bàn”.

Bài, ảnh: THÚY AN-TIẾN VINH-VĂN LONG