Chúng tôi được lệnh ăn Tết trước-Tết Mậu Thân 1968 không còn xa nữa. Thế tức là chiến dịch sẽ nổ ra vào thời điểm năm mới. Trên những con đường và tại căn cứ, mai vàng đã ra nụ, báo hiệu mùa xuân phương Nam sắp về. Theo phán đoán của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Tơm, đây có thể là cái Tết cuối cùng ở rừng nên ông yêu cầu các đại đội tổ chức cho anh em ăn Tết chu đáo, cố gắng tươm tất vật chất và vui vẻ tinh thần. Sau một tuần nghỉ Tết sẽ bước vào đợt ra quân với khí thế quyết chiến, quyết thắng. Cái gì có thể không, nhưng bánh chưng phải có. Nguồn hàng kho cửa khẩu Campuchia cung cấp có: Gạo nếp mỗi người nửa cân, cá khô, đường thốt nốt, mắm, thuốc lá Ara, trà gói... Thứ gì không mua được thì “khai thác” thế mạnh của rừng, lá dong gói bánh, măng ninh xương, củ chụp nấu chè... Theo hướng dẫn của chỉ huy đại đội, các trung đội lập bàn thờ Tổ quốc, Quốc kỳ treo giữa, dưới là ảnh Bác Hồ. Có trung đội kỳ công lùng rừng kiếm trái bày mâm ngũ quả: Chuối rừng, gùi, xoài, bứa... hoặc săn phong lan về trang trí, đốt cành cho hoa mai nở sớm.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH. 

Rừng Phước Long ngày đó còn là rừng nguyên sinh. Chiến tranh chưa tới đỉnh cao, bom B-52 Mỹ chưa rải thảm. Chiến sự cũng chỉ là những trận chạm trán nhỏ lẻ, nếu thỉnh thoảng không có máy bay bay qua, hoặc tiếng pháo đề-pa ở căn cứ Bù Đăng, Bàu Bàng vọng tới thì tưởng đây không phải là chiến trường. Từ Đường 14 hất về biên giới Campuchia, chạy dài ra tận Lâm Đồng là màu xanh bạt ngàn, hai-ba tầng lá, có những cây chò, săng lẻ đường kính ba-bốn người ôm. Trên đầu, trực thăng, “đầm già” vòng lượn, dưới đất bộ đội vẫn đi lại sinh hoạt bình thường. Động vật rất phong phú, bò tót, gấu, hổ, nai... Trên đường đi thồ có lúc chúng tôi gặp cả đàn voi mười mấy con, hay bất chợt một tốp vài ba chú nai lông vàng như rơm xuống suối uống nước. Còn khỉ thì vào tận bếp anh nuôi trộm thức ăn. Những buổi sáng tinh mơ nằm đung đưa trên võng nghe rừng tấu bản nhạc với tiếng hót của đủ các loài chim, vượn thì thật thú vị. Không khí có vẻ thanh bình, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, cái ý thức cảnh giác từ lâu đã “ăn sâu, bám rễ” vào từng người lính nên đơn vị vẫn duy trì nghiêm việc tuần tra, canh gác.

Để có thịt lợn làm nhân bánh chưng và chế biến các món ăn ngày Tết khác, Đại đội trưởng Lê Văn Điển bảo tôi đi săn cùng ông. Là một xạ thủ bách phát bách trúng, ông cũng là tay săn “sát thú” có hạng. Chưa khi nào ông xách súng đi mà trở về tay không. Hai thầy trò ngược chiều gió đi men theo bờ suối cạn. Ban đêm lũ lợn rừng thường hay ra đây dũi tìm những con cua đá, giun, ốc... Tiểu đoàn chưa có lệnh cấm, nhưng không khuyến khích đi săn thú rừng. Chỉ khi nào khó khăn lắm về thực phẩm, phía Campuchia không cho hàng xuống, hay đồng bằng bị vây ráp dài ngày thì có thể linh động, nhưng cũng rất hạn chế. Chuyến đi săn đêm nay cũng có thể coi là bất khả kháng. Từ khoảng cách vài chục mét, tôi chưa nhìn thấy gì, ông đã phát hiện một tốp năm, sáu con heo rừng đang đào bới chỗ mép nước. Khi ánh đèn săn trên trán đại đội trưởng lia tới, những đôi mắt lợn hoang bắt sáng đỏ như chấm lửa nhỏ xíu lung linh. Trong tích tắc, tiếng súng nổ, một tiếng “éc” rú lên, những con lợn sống sót lao vào bóng tối nhanh như cơn lốc. Con lợn đực nặng hơn trăm ký, lông bờm cứng như bàn chải, phải 4 chiến sĩ khỏe mới đưa về cứ được. Suốt cả ngày hôm sau, bếp các trung đội râm ran tiếng cười nói, người người tay dao tay thớt, tiếng băm chặt, thật là “vui như Tết”. Các bậc đàn anh có dịp trổ tài, nào gói bánh chưng, gói giò. Giò xào, giò mỡ, giò nạc, thịt quay, thịt luộc, nấu đông, măng sườn... Chỉ một loại thịt lợn mà ra được cả chục món ăn, thế mới biết bộ đội nhiều anh có tài và gọi vui môi trường quân đội là “trường đại học” không sai chút nào.

Giao thừa, theo chỉ thị của chỉ huy tiểu đoàn, mọi người quân phục chỉnh tề tập trung tại hầm trung đội trưởng nghe Bác Hồ chúc Tết qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Ai nấy hồi hộp đón chờ giây phút thiêng liêng ấy. Cả khu rừng lặng im trước thời khắc lịch sử năm cũ chuyển sang năm mới.

Thời gian chậm chạp trôi, không gian như ngưng đọng, bên ngoài, tiếng những giọt sương gõ trên mặt lá bì bộp. Có tiếng máy bay xa, nhưng không ai để ý. Rồi tất cả vỡ òa sung sướng khi từ chiếc đài bán dẫn vang lên giọng nói thân thương trìu mến của Bác: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên!/ Toàn thắng ắt về ta!

Lời của Bác là lời thiêng sông núi. Chúng tôi nghe như nuốt lấy từng tiếng, từng tiếng nói ấm áp của Người. Trong khoảnh khắc đáng nhớ ấy, ai cũng như được gặp lại miền Bắc thân yêu và lòng ai cũng ngập tràn niềm hạnh phúc. Sáng mồng Một, anh em có mặt tại nhà đại đội làm lễ chào cờ và nghe chỉ huy tiểu đoàn chúc Tết. Là đại đội chủ công, đến đâu chúng tôi cũng được ở gần tiểu đoàn bộ. Những cành mai rừng đua nhau bung nụ tạo nên cái khó lẫn của sắc xuân phương Nam. Cảm nhận là cái Tết chia tay rừng, lòng những người lính trẻ thấy vương vấn một nỗi nhớ vừa mơ hồ, vừa cụ thể khó giải thích. Những chiếc cầu mây vắt qua suối cạn mỗi khi xe hàng đi qua lại chao mình như đưa võng. Con đường mòn len lách giữa gốc cây, ụ mối, đỉnh dốc nào cũng nhẵn mòn dấu chân người, cái trảng tranh như một điểm nhấn giữa rừng, mùa mưa hay ra phục săn hoẵng. Và bếp ăn tọa lạc bên bờ suối, những căn hầm đã che chở chúng tôi như người bạn. Căn cứ Suối Đá Mài, nơi suốt thời gian dài chúng tôi đi, về với bao nhiêu kỷ niệm...

Rồi ai nấy bắt tay vào nhiệm vụ. Hàng đi nhiều hướng, Đồng Nai, Biên Hòa, nhiều chuyến vượt lộ đá đỏ, xuống tận Nha Thức giao cho các đơn vị chủ lực ém sát cửa ngõ Sài Gòn. Đạn nhọn, B40, cối 60mm, hỏa tiễn DKB... đủ hết. Đường ra trận những ngày chuẩn bị cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 sôi nổi quá. Không phải lúc này mà gần tháng qua, chúng tôi bắt gặp trên đường những đoàn binh trẩy xuống đồng bằng, đêm ngày nườm nượp như dòng sông mùa lũ. Đoàn trông dạn dày trận mạc, cũng có đoàn ba lô, áo quần còn “thơm mùi miền Bắc”, tất cả đều nhằm hướng chiến trường. Người ta hỏi nhau quê quán, rồi hẹn gặp mặt ở Sài Gòn. “Nhanh lên các bạn ơi, ai vào Sài Gòn trước sẽ được các em sinh viên tặng hoa, ai đi sau ống bơ cũng không có mà nhặt đâu nhé”. Những câu nói mang tính chất bông đùa nhưng trong bối cảnh ấy lại có sức lay động ghê gớm. Đúng thế, không ai lại không sốt ruột, muốn làm một cái gì đó để ngày về thành phố nhanh hơn.

Dường như “đánh hơi” được có một cuộc ra quân hùng hậu, và mối đe dọa là phía tây bắc Sài Gòn, địch tung máy bay trinh sát và biệt kích thám báo dò la, nhưng trước sức mạnh như nước vỡ bờ của ta, chúng khó lòng chống đỡ. Những chiếc xe đạp thường ngày chỉ thồ 200kg, giờ tăng lên 300, rồi 400 hay 450kg. Đặc biệt, Tiểu đội phó Đinh Công Chấn, chàng trai quê miền biển Quảng Xương, Thanh Hóa đã thồ tới 500kg. Cứ tưởng tượng đẩy một xe hàng nửa tấn đi cạn đêm, luồn lách, khi lên dốc, lúc qua khe mới thấy sự cố gắng ấy là phi thường. Với sự phấn đấu bền bỉ, sau này, Đinh Công Chấn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Không chỉ tăng số cân mà anh em còn động viên nhau tăng chuyến. Bám theo đơn vị chiến đấu, tiểu đoàn được lệnh chuyển sát xuống vùng ven. Trong tâm trạng một đi không trở lại, những gì không cần thiết lắm, chúng tôi đều vứt bỏ. Tư trang cá nhân càng nhẹ càng tốt. Để chuẩn bị cho cuộc “ra mắt” bà con cô bác, gặp gỡ các em gái thị thành, ai cũng sắm sửa cho mình “bộ cánh” chỉn chu nhất. Mấy cậu “vua lười” mọi khi áo quần xộc xệch, thậm chí cả tuần không giặt, giờ đây tóc, râu cắt cạo gọn gàng, quân phục nghiêm chỉnh. Các đơn vị bạn cũng thế, ai nấy như vừa lột xác.

Đúng như dự đoán. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân, dân miền Nam nổ ra trên khắp các tỉnh, thành phố, từ Quảng Trị đến Cà Mau. Trận “bão lửa” mà tiểu đoàn tôi và các đơn vị bạn chuẩn bị gần hai tháng qua đã dồn dập giội xuống cơ quan đầu não, các căn cứ trọng yếu của địch. Từ nơi đứng chân, đêm đêm, chúng tôi sung sướng xúc động đến nghẹn ngào nhìn đạn ta bay đỏ trời Sài Gòn như pháo hoa. Ôi, Sài Gòn, chỉ cách mấy giờ đi bộ, chúng tôi nôn nao đón chờ giây phút được sà vào lòng các má, các dì, được nắm bàn tay những người em gái, cái khoảnh khắc hạnh phúc đong đầy của mọi gia đình, mà dân tộc đã phải đổi bằng máu xương của biết bao người con ưu tú.

Giây phút thiêng liêng bao ngày chờ đợi, nhưng ở thời điểm đó nó không thành hiện thực. Đơn vị đem theo nỗi buồn trở về rừng, lại chuẩn bị cho kế hoạch mới. Vâng, chỉ chưa tới vài chục cây số, vậy mà những người lính Tiểu đoàn 49 chúng tôi và dân tộc đã phải đi tiếp 7 năm trời, kể từ cái Tết năm 1968 lịch sử, với biết bao khó khăn, mất mát mới tới được ngày toàn thắng 30-4-1975.

Ôi, Sài Gòn, chỉ cách mấy giờ đi bộ, chúng tôi nôn nao đón chờ giây phút được sà vào lòng các má, các dì, được nắm bàn tay những người em gái, cái khoảnh khắc hạnh phúc đong đầy của mọi gia đình, mà dân tộc đã phải đổi bằng máu xương của biết bao người con ưu tú.

LÊ VĂN VỌNG