Báo tử... nhầm!

15 tuổi, chàng trai Nguyễn Hữu Khảm (quê ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) theo gia đình lên xây dựng vùng kinh tế mới ở Tân An, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Như bao thanh niên cùng lứa, tháng 9-1966, anh đăng ký tòng quân vào Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 rồi “đi một lèo” đến tháng 5-1974 mới có chuyến về phép đầu tiên và bất ngờ biết mình đã được “báo tử” từ 4 năm trước.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm bồi hồi nhớ lại: “8 năm đi xa, quê hương tôi đã có nhiều thay đổi, bố mẹ cũng không còn ở ngôi nhà cũ nữa. May gặp người em họ cho hay bố mẹ tôi đã chuyển về ở gần nhà chị gái lấy chồng cách đó mấy cây số. Vậy là tôi ngủ ở nhà người em họ đến sáng hôm sau mới men theo khe suối tìm về nhà.

leftcenterrightdel
Niềm vui ngày thường của vợ chồng Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm. Ảnh: KHÁNH AN 

Đến ngôi nhà đất ở đầu khe suối như lời em họ chỉ, tôi bước vào mở then cài cổng. Con chó vàng xồ ra sủa loạn xạ. Một người đàn bà tóc bạc trắng từ trong đi ra. Là mẹ! Mới có mấy năm mà mẹ thay đổi nhiều quá. Mẹ tôi bước ra đon đả: “Mời anh vào nhà chơi!”. “Mẹ, con đây!”. Mẹ sững lại, trân trân nhìn tôi hồi lâu. Rồi như bừng tỉnh, bà đi qua tôi, chạy như bay về phía con đường trước nhà, miệng không ngớt hô lớn: “Ôi làng nước ơi! Ôi giời ơi, con tôi còn sống! Ông ơi, mau về đây! Thằng Khảm còn sống!”. Bà cứ chạy như thế, chân líu ríu vào nhau, ngã ngồi xuống bãi cỏ rồi lại đứng lên chạy tiếp...

Một lát sau thì bà con lối xóm đã đến chật nhà. Người bắt tay, người hỏi chuyện. Mẹ cứ ôm lấy tôi, sờ nắn chân tay mặt mũi. Mẹ vẫn còn chưa dám tin, giấy báo tử tôi mẹ đã đặt trước bàn thờ 4 năm nay. Cũng vì thương nhớ tôi mà mẹ khóc đến lòa cả mắt. Sau gia đình tôi mới biết, hóa ra, người bạn cùng xã cũng họ Nguyễn, nhập ngũ cùng đơn vị hy sinh đã bị nhầm sang tôi.

Khi khách khứa trong nhà đã về hết, mẹ mới thủng thẳng bảo: “Đã lâu không thấy cái B. đến nhà chơi, con xem thế nào?”. B. là bạn gái học cùng cấp 3 với tôi, nhà ở thị trấn, người tôi thầm thương trộm nhớ, cũng thư từ qua lại những ngày tôi còn huấn luyện ở Mộc Châu, Sơn La. Tuy hai người chưa từng thổ lộ nhưng đều ngầm hiểu ý của nhau. Em cũng đã gần xa có ý sẽ chờ ngày tôi chiến thắng trở về. Chiến tranh ác liệt, chúng tôi đã mất liên lạc với nhau gần 8 năm nay, lại thêm cái giấy báo tử... Liệu em có còn chờ đợi tôi?”.

Hai ngày sau thì Nguyễn Hữu Khảm gặp lại B. trong một hoàn cảnh thật trớ trêu. Nhà hai người cách nhau gần chục cây số, trên đường tìm sang nhà thăm bạn gái, anh gặp hai cô gái đang chở nhau bằng xe đạp. Nhận ra nhau, họ dừng lại chuyện trò. Khảm chưa kịp mừng rỡ thì bẽ bàng nhận ra bạn gái đã có... bầu. Cô ngượng ngùng thanh minh, đã chờ đợi anh mấy năm, nhưng con gái có thì, cô mới lấy chồng năm ngoái.

Khảm không trách bạn gái nhưng nỗi buồn cứ len sâu trong tâm trí. Ở chơi với bố mẹ vài ngày, anh lại khoác ba lô sang Lào, nơi đơn vị anh đang đóng quân.

Bất ngờ nên duyên

Hết chiến đấu ở Lào, trở lại miền Nam chiến đấu rồi đi xây dựng chính quyền ở Thủ Dầu Một, Bình Dương, năm 1977, Nguyễn Hữu Khảm ra Bắc, lên đóng quân ở Lào Cai. Lúc này, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148 nhưng vẫn chưa có “mảnh tình vắt vai” dù đôi lần đã đại diện “nhà trai” đi hỏi vợ cho đồng đội. Mãi tới năm 1979, ông mới gặp tình yêu của đời mình-bà Đỗ Thị Thực trong một chuyến công tác ở Thủ đô.

leftcenterrightdel
Gia đình Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm. 

Hôm ấy, sau khi giải quyết xong công việc, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu Khảm khoác ba lô ra ga Hàng Cỏ. Sân ga đông đúc người qua kẻ lại, chợt cô gái đi trước quay lại mắng: “Ơ cái anh này, mắt mũi để đâu thế?”. Anh cúi xuống, nhặt chiếc dép nhựa Tiền Phong của cô đã bị đôi giày bộ đội của anh giẫm bật quai. Cô giật chiếc dép trên tay anh rồi quay đi mà không nói gì thêm. Lên tàu, run rủi thế nào họ lại ngồi đối diện nhau. Trông cô gái cũng xinh xắn, trắng trẻo, nhận ra “người quen”, anh nảy ra ý định đùa trêu. Anh cứ chăm chú nhìn cô, mặc cô thay đổi bất kỳ tư thế nào. Còn cô, hết quay ra cửa sổ toa tàu nhìn cảnh vật trước mặt, quay lại vẫn thấy anh bộ đội chăm chăm nhìn mình. Sau giây phút ngượng ngùng, cô bèn lên tiếng: “Anh nhìn cái gì mà ghê thế?”. “Mắt bỏ trong túi còn đâu mà nhìn!”-anh trả lời. Hai người nhìn nhau cùng cười rồi... lặng im suốt hành trình còn lại.

Ngày ấy, giao thông không thuận tiện như bây giờ. Nguyễn Hữu Khảm muốn về nhà phải xuống tàu ở ga Phú Thọ rồi mua vé ô tô khách. Sau khi vào cửa ưu tiên dành cho bộ đội mua được hai chiếc vé ô tô, quay ra định bụng “ai không mua được thì đem tặng”, thấy cô gái cùng hành trình vẫn đang xếp hàng dài để chờ mua vé, anh bèn gọi cô tặng lại vé.

“Xe về đến thị xã cũng đã chiều muộn. Nghĩ bụng giờ cũng chẳng có xe về Chiêm Hóa, tôi liền rẽ về nhà ông anh trai cả, là giáo viên, đang ở nhà vợ ngay thị xã. Không ngờ cô nàng tiếp tục đồng hành với mình trong chuyến “đi bộ” này!”-ông cười tủm tỉm kể.

Cô gái xách túi đi phía trước, anh lững thững theo sau. Bà Thực kể lại lúc ấy rất sợ khi thấy anh bộ đội cứ lẽo đẽo theo mình, hết rẽ vào ngõ rồi xuống con dốc quả đồi gần nhà. Anh vào đến sân cũng là lúc cô chui tọt vào buồng. Khi cô len lén hé cửa ngó ra thì thấy “người đồng hành” đang chào hỏi vui vẻ mọi người trong nhà. Thật không ngờ, anh rể mình chính là anh trai của “anh bộ đội”.

Cuộc gặp gỡ trên chuyến tàu năm ấy là “sợi tơ hồng” để ông Khảm và bà Thực nên duyên chồng vợ. Ông kể: “Gia đình ủng hộ, vun vén để chúng tôi thành đôi. Thủ trưởng đơn vị thì cho hẳn 3 tháng phép để tôi “cưới được vợ”! Vậy là, tháng 5-1980, đúng một năm sau cuộc gặp gỡ, trong chuyến về phép ấy, tôi đặt vấn đề “xin cưới” với gia đình cô ấy luôn. Thời gian chuẩn bị cho đám cưới chỉ diễn ra trong vòng một tuần. Lễ tân hôn đơn giản, chú rể “mượn tạm” được bộ com lê của anh trai, cô dâu thì giản dị trong bộ quần áo đi dạy học!”.

Đơn vị ông đóng quân ở Lào Cai, còn bà dạy cấp 2 ở thị xã Tuyên Quang. Sau đám cưới, ông bà luôn xa nhau. Nhớ chồng thì bà lên thăm ông chứ suốt 10 năm ở biên giới, thi thoảng lắm trong những chuyến công tác đột xuất, ông mới về thăm nhà. “Tôi cứ công tác liên miên, sinh con đầu lòng thì một tuần sau mới về, sinh cháu thứ hai thì cả tháng sau. Mãi sau này, khi tôi về công tác ở Bộ Quốc phòng thì gia đình mới có điều kiện “về chung một mối”-Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm cho biết.

Chuyện bà chuyển công tác về Hà Nội bị hạ bậc lương từ cao đẳng xuống sơ cấp, rồi bị bạn bè xì xèo: “Tưởng về Hà Nội làm gì, hóa ra lại làm nhân viên cấp dưỡng. Tưởng có chồng làm to thì thế nào...” mãi sau này ông mới biết. Ông phân bua, việc nhà binh bận bịu, ông cũng chả để ý nhiều đến những niềm riêng của bà. Còn bà bình thản chia sẻ, ông cứ đi biền biệt, đến ngày gia đình đoàn tụ là bà mãn nguyện lắm rồi, chẳng mong ước gì hơn. Biết bao nhiêu năm, bà thay ông gánh vác việc nhà, một tay bà cáng đáng hậu phương để ông yên tâm công tác. Bà tốt tính, đảm đang, chăm lo cho mẹ chồng không chê vào đâu được! Người già vốn khó tính, vậy mà cho tới ngày tạ thế ở tuổi 102, cụ vẫn yêu thương, một mực coi bà như con gái. Ông bảo, phải cảm ơn bà xã nhiều lắm. Từ chuyến tàu nên duyên năm ấy, ông đã có được người vợ thủy chung, hiền thục, chăm lo hết mình cho chồng con. Cuộc đời ông vậy là trọn vẹn rồi!

PHẠM THU THỦY