Năm 1931, nhà cách mạng Nguyễn Tạo bị Pháp bắt ở Hải Phòng, áp giải về Hỏa Lò rồi đày vào Lao Bảo. Cuối năm 1936, thực dân Pháp giải các tù chính trị, trong đó có ông Nguyễn Tạo từ Lao Bảo lên Buôn Ma Thuột, nơi có tên cai ngục Mosin khét tiếng tàn ác. Nhưng nhà tù càng hà khắc, tù chính trị càng đấu tranh mạnh. Tên cai ngục điên cuồng đánh đập, đàn áp, đã chọn ra 120 người tù “cứng đầu” đày vào vùng sâu hơn là Đắk Mil, lấy đói rét, bệnh tật, đánh đập thủ tiêu ý chí của người cộng sản.

Theo lời cha kể lại cùng tư liệu hiện có của gia đình, Đại tá Nguyễn Sơn cho tôi biết thêm thông tin về sự kiện vượt ngục thành công của nhóm tù cộng sản tại nhà ngục Đắk Mil cuối năm 1942, đầu năm 1943.

Đắk Mil cách Buôn Ma Thuột 50km về phía nam, giáp biên giới Campuchia. Ở đây, chế độ nhà tù hà khắc, lại là nơi “rừng thiêng nước độc” bậc nhất. Tù chính trị bị cùm chân vào một thanh sắt dài hai chục mét như hình một “gắp chả” khổng lồ, mỗi thanh có thể “gắp” tới ba chục bàn chân người tù. Mỗi buổi sáng, một trung đội lính khố xanh tới mở khóa, rút xiên sắt, mở cùm, đưa từng tổ phạm nhân đi làm. Mười một rưỡi trưa lại cho chân phạm nhân vào cùm; hai giờ chiều mở cùm; sáu giờ tối lại cho chân vào cùm đến sáng. Khóa chân khi đi ngủ làm người tù rất khó chịu, nhất là những lúc phải đi vệ sinh vào đêm. Anh em tù chính trị kiên trì đấu tranh liên tục trong nhiều năm, cuối cùng chúng nhượng bộ, đêm không khóa “gắp chả” mà để hờ, ai cần thì tự mở đi vệ sinh rồi trở về đóng lại. Nơi giam sơ sài, nhà sàn vách thưng liếp nứa có hai cầu thang lên xuống. Lợi dụng sự sơ hở này, 4 người tù cộng sản: Nguyễn Tạo, Trương Vân Lĩnh, Chu Huệ và Nguyễn Doanh bị cùm gần nhau trong một dãy ở tầng trên nhà lao đã bàn nhau vượt ngục. Chu Huệ quê Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An luôn đi đầu trong các cuộc đối đầu với cai ngục. Ban đầu Chu Huệ nằm sát bên Bí thư chi bộ Nguyễn Tạo, bàn việc bạo động cướp nhà lao, nhưng thấy việc ấy phiêu lưu dễ bị địch đàn áp, Nguyễn Tạo chọn cách cả 4 người cùng vượt ngục một lần. Giờ “G” đã được thống nhất là lúc cai ngục đi “rỏn”, tức lúc đổi gác vào nửa đêm “ông Táo chầu trời” Tết Quý Mùi (1943).

leftcenterrightdel
Ảnh nhà cách mạng Nguyễn Tạo trong hồ sơ của mật thám Pháp, ở nhà tù Đắk Mil. Ảnh tư liệu. 

Gần nửa đêm, ông Tạo lặng lẽ mở khóa để xem động tĩnh của hai lính gác bên dưới thì thấy lấp lóe ánh lửa, cai ngục đốt đuốc cà boong đang đi “rỏn”, ông vội bò về chỗ nằm, xâu lại chân vào cùm. Cai ngục đi lên gác hất hàm hỏi ông: “Chưa ngủ à?” rồi cúi xuống lấy ngón tay trỏ đặt vào từng bàn chân mấy người bị khóa bên cạnh đang trùm cái chăn mỏng, đếm: Một, hai, ba, bốn... Hắn vừa đi, ông Tạo rút chân khỏi cùm, ho báo hiệu cho Huệ, Lĩnh và Doanh. Tất cả khẽ khàng cậy liếp, mang theo hành trang gọn nhẹ đã chuẩn bị từ trước, tuồn xuống thang cửa sau, trong khi hai tên gác đang co ro vì lạnh ở cầu thang cửa trước. Trong đêm tối mịt mùng, 4 người nối nhau bò sát đất ra cổng. Rồi họ rút nhẹ thanh gỗ cài cổng, kéo cánh cửa gỗ rất nặng mở hé, phát ra tiếng “kẹt” thoảng vào gió. Hai tên gác vẫn co ro, ngủ gà gật, không hay biết gì. 4 người lách ra ngoài, khép cổng lại. Bên ngoài rừng hoang sương giá đặc quánh mịt mùng. Họ hối hả chạy về hướng Đường 14 đi Buôn Ma Thuột. Mới chạy được khoảng bảy, tám trăm thước thì mọi người khựng lại. Nghe tiếng lộp cộp phía đường cái, sỏi đá bắn tung tóe, ông Tạo cầm con dao dựa sẵn sàng đối phó. Chu Huệ nói nhỏ vào tai ông: Nai, nai. Mọi người định thần, mờ mờ phía trước một đàn nai khoảng 3, 4 con đang kiếm ăn trên đường. Chạy tiếp một thôi đường nữa, mệt quá, họ dừng lại, dựa lưng vào gốc cây thở dốc. Ông Tạo lấy trong túi quần ra một nắm lá chè rang khô, chia mỗi người một ít, bỏ miệng nhai nước bọt ứa ra thành “nước chè mạn”, nuốt ực vào cổ họng cho tỉnh người. Chợt có mấy phát súng trường nổ liên tiếp phía sau. Cai ngục phát hiện tù vượt ngục, đang báo động trong trại. Mọi người lại cố sức chạy. Bỗng ông Tạo bảo dừng lại, nói: Cứ trên đường thế này chúng dùng ô tô đuổi theo thì nguy. Thế là tất cả lao vào rừng rậm bên đường, gai xé toạc cả quần áo, cào xước da, rớm máu. Bỗng trước mặt họ có một vệt sáng lóa mắt. Ô tô của trại chiếu đèn pha chăng? Chu Huệ vốn thạo đi rừng nói ngay: Lân tinh đấy!

Thì ra lớp cây, lá hoai mục hàng bao thế kỷ ở đây chứa đầy lân tinh phát ra ánh sáng lạnh sáng rực trong đêm tối. Chạy đến gần sáng, 4 người đều kiệt sức, nằm lăn ra bãi cỏ bên bờ suối, tỉnh dậy đã gần trưa, họ chia nhau nắm gạo rang đã chuẩn bị từ trước, trệu trạo nhai. Ông Nguyễn Tạo bảo mọi người, nếu cứ rúc trong rừng rậm thì không thể định hướng được, nên men theo đường cái mà đi. Để khỏi bị lộ, phải cải trang thành người địa phương. Cả 4 người cởi hết quần áo, thay nhau dùng dao cắt xén lại, rồi chằng buộc, “chế” thành mảnh khố, mảnh áo cộc như của người địa phương, rồi mỗi người tự bôi bùn đất lên mặt, tay chân, nom khá nhôm nhoam, song cũng đã thay hình đổi dạng. Sang ngày thứ sáu, 4 người quyết định rẽ vào giữa khu rừng già nghỉ lại trọn một ngày để lấy sức. Gạo rang sắp cạn, ai cũng đói cồn cào, rã rời chân tay. Màn đêm buông xuống. Họ đốt đống lửa to để sưởi. Bỗng Nguyễn Tạo nói: “Chúng ta vượt ngục vào ngày ông Táo chầu trời, thì đêm nay đúng là Giao thừa năm Quý Mùi các cậu ạ. Chẳng lẽ lại đón Giao thừa suông?”. Ông vừa nói dứt lời, bất ngờ có hai chú chẫu chuộc từ tảng đá bên vũng nước nhảy vọt ra, Vân Lĩnh nhanh tay chộp được một chú, còn chú kia nhảy vút vào bóng đêm. “Chất tươi đây rồi!”. Vân Lĩnh reo lên, lấy dao mổ bụng, rồi chẻ que nứa xiên con chẫu chuộc, gạt than hồng nướng. Chẫu chuộc chín vàng ươm, tỏa mùi thơm nức mũi. Miếng thịt chẫu chuộc bằng gần nửa bàn tay được chia đều làm 4 phần. Mọi người bỗng thấy hứng khởi, không quên chúc nhau đón năm mới bên đống lửa, rồi cùng thưởng thức món chẫu chuộc rừng. Không ngờ thịt chẫu chuộc vừa bỏ miệng nhai giòn tan, đậm đà ngọt ngào đến như thế! “Bữa tiệc” đón Giao thừa của những người tù vượt ngục quả là có một không hai trên thế gian này!

Sáng mồng Một Tết khởi hành, họ lại gặp may. Đi đến khe suối chảy róc rách bên đường, 4 người gặp một phụ nữ M’nông đang lấy gạo trong cối giã nước. Ngôn ngữ bất đồng, nhưng người phụ nữ nhìn những khách bộ hành rách rưới, xanh xao, gầy gò thì lẳng lặng vét hết gạo nếp nương vừa giã, lấy lá chuối rừng gói lại biếu những vị khách không quen biết. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn sống tự cấp, tự túc, rất nhân hậu, chân thực.

Sang ngày thứ 11, họ đã đến được ngoại vi Buôn Ma Thuột rồi lặng lẽ chia tay nhau. Mỗi người vào ở trong một nhà người dân tộc thiểu số, sau đó tự tìm bắt mối liên lạc với cơ sở cách mạng, hẹn ngày gặp lại...

PHẠM QUANG ĐẨU