“Bầu ơi, thương lấy bí cùng/
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Hẳn là mọi người Việt Nam đều thuộc nằm lòng câu ca dao này. Cây bầu và cây bí là hai cây dây leo thân thuộc trong vườn nhà nông ta. Dân gian đã mượn hình ảnh cây bầu và cây bí này để nói điều gì vậy? Ngụ ý của hai câu này chính là lời khuyên mỗi người Việt cùng chung dân tộc, giống nòi phải biết “thấu cảm”, phải có bổn phận cùng chung lưng đấu cật, sẻ chia trong khó khăn, hoạn nạn: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Thấu cảm là một từ Hán Việt, có nghĩa là cảm nhận và thấu hiểu, hoặc thấu hiểu và thông cảm một cách sâu sắc. Đó là một trạng thái tình cảm đặc biệt chỉ có được từ sự trải nghiệm mang tính nhân văn.
 |
Hoa hậu Tiểu Vy cùng các em nhỏ nhảy “Vũ điệu rửa tay”. Ảnh: VIẾT QUÝ |
Trong trận chiến chống dịch Covid-19 đầu năm 2020 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm qua khẩu hiệu: “Chống dịch như chống giặc”. Có thể nói, trong cuộc chiến này, toàn dân ta đã tham gia “đánh giặc”. Sự chung tay đồng thuận của cộng đồng là vô cùng quan trọng. Khắp nơi, mọi người hưởng ứng nhanh, triệt để và hiệu quả. Các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng cùng nhất loạt vào cuộc với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao. Ngành y tế, bộ đội đã “lĩnh ấn tiên phong” xông lên tuyến đầu, ngày đêm làm việc, không quản hiểm nguy giúp cho cuộc chiến chống dịch ở nước ta đạt kết quả tốt. Cả xã hội hưởng ứng chung tay. Nhiều công ty, tổ chức, doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ tiền bạc, chia sẻ trách nhiệm. Những bài hát cổ cũ phong trào chống dịch (như: “Ghen Cô Vy”, “Vũ điệu rửa tay” (Khắc Hưng), “Đánh giặc Corona” (Lê Thống Nhất)...) nhanh chóng được lan truyền, tạo nên khí thế: “Đánh giặc Corona/ Đoàn kết toàn dân ta/ Từ người trẻ người già/ Ngành y là xung kích/ Thề quyết thắng đại dịch/ Hòa chung một bài ca...”. Khắp nơi trên cả nước, trong đó có nhiều nhân vật của giới showbiz đã hưởng ứng mạnh mẽ cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 này.
Sau đại dịch Covid-19 lại đến thiên tai lũ lụt đã tàn phá nhiều vùng miền với những thiệt hại vô cùng nặng nề, nhất là đối với đồng bào ở “khúc ruột miền Trung”: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, vốn trước đó không lâu, một số địa phương này là điểm nóng của đại dịch Covid-19 đợt 2 tại Việt Nam. “Bão tiếp bão, lũ chồng lũ” làm nhiều địa phương bị cô lập, cơ sở hạ tầng (đường sá, trường học, bệnh viện, nhà xưởng...) hoàn toàn hư hỏng, mùa màng mất hết, nhiều gia đình trắng tay, kiệt quệ. Lịch sử 40 năm qua mới có một thiên tai “thủy tặc” như thế. Và cả nước ta lại quyết tâm vào cuộc chiến đấu mới. Biết bao hoạt động từ thiện, biết bao tấm gương thiện nguyện hướng về miền Trung với số tiền và hàng hóa lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Chính những tấm lòng đầy nghĩa cử đó đã làm cho nhân dân miền Trung vơi đi nỗi đau mất mát cả về vật chất lẫn tinh thần.
Lá lành đùm lá rách đã là một nhẽ. Nhưng khi cả hai lá cùng rách thì sao? Anh hoạn nạn thì tôi cũng rủi ro (mà lẽ thường, như Nam Cao nói, một người đang đau chân thì sẽ không thể quan tâm tới cái chân đau của người khác). Chỉ có điều, trong cái khó khăn của hai người đó, sẽ có người ít khó khăn hơn. Thì đây, chính họ trong cảnh tự vật lộn vượt qua thiếu thốn, lại sẵn sàng đưa tay sẻ chia với người khác. Hình ảnh chiếc lá rách “vừa vừa” phải bao bọc chiếc lá rách “tơi tả” được đem ra ví von cho sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào là rất đáng suy ngẫm. Tấm gương bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi (ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và bà Phạm Thị Lợi, 80 tuổi (ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) tình nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo để dành tiền hỗ trợ các gia đình khác còn “nghèo hơn, khó khăn hơn mình” thật vô cùng cảm động.
Tất cả những nghĩa cử nghĩa tình đó đã giúp đỡ, động viên và xốc lại ý chí của đồng bào. Nó giống như một hành động thắp lửa và truyền lửa cho người khác, vượt qua cơn bĩ cực gian nan để có một niềm tin vươn tới tương lai phía trước. Về vấn đề này, Rainer Maria Rilke (1875-1926), nhà thơ Áo nổi tiếng nhất thế kỷ 20 từng viết: “Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: Họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều”. Còn Voltaire (1694-1778)-nhà văn và là một triết gia người Pháp thì nói câu đại ý rằng: Lửa thắp trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, nó sẽ trở thành tài sản của tất cả mọi người.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH