Ối giời ơi, bố con chúng bay ở nhà làm gì mà để rắn ráo đẻ phích thế này hở. Bà Lĩnh thiếu nước khóc. Ai đời, con gà trống thiến đến hơn ba cân, sai nó đun nước, nó đun vừa được bát con nước. Sờ đến phích thì còn vài giọt. Rõ là hai bố con ở nhà đấy. Khách thì về đến nơi rồi.
Thằng Đông nhăn nhó đem nửa ấm nước vào bếp, chụm cây ngô đun tức tốc. Miệng nó làu bàu. Mẹ đi thì bố cũng đi, con sửa bộ hát nguyên sáng. Mải nên nước sôi cạn. Cũng tại con gà to quá. Bà Lĩnh nghe thấy, sộc vào bếp, gí tay vào trán thằng Đông mà đay. Ối giời ôi là giời, mỗi năm có một cái chạp thôi, mà bố quên đằng bố, con thờ ơ đằng con. Bố chỉ chăm lo rượu chè sao cho đầy bình, đầy hũ, con chỉ chăm lo hát hò dong nhan. Giời còn bảo con khổ đến bao giờ nữa hả giời ơi!
Bà Lĩnh vừa rên rỉ đến đấy thì có tiếng xe máy tà tà đi vào sân. Bà vội quẹt hai bàn tay đầy nước vào mông quần, nhấp nhửng đi ra.
- Bầm, bầm đang làm cỗ hả bầm?
- Con chào bác!
 |
Minh họa: KHOA AN |
Ra con Sang đưa bạn trai về thật. Bà mừng quá. Từ lúc đang quét vôi ngoài mộ tổ, nghe điện thoại con gái bảo đưa bạn trai về ra mắt gia đình là lòng dạ bà đã nôn nao. Nhưng thấy thằng thanh niên độ ba mươi, mặt mũi sáng sủa, vóc dáng khỏe khoắn, bà cố nén cảm xúc xuống và sửa cái giọng hết sức bình tĩnh kín kẽ.
- Ờ, cháu về chơi à. Đi rửa mặt mũi rồi nghỉ ngơi đi. Bảy chục cây số mà chạy xe máy là mệt lắm đấy.
- Dạ. Bác cứ để con tự nhiên ạ.
Ôi, cái thằng. Ăn nói dễ nghe làm sao. Cuối cùng thì cái quả bom nổ chậm nhà bà cũng có thằng nhăm nhe rước đi.
Bà đi vào bếp, cố ghìm những bước chân thật thong thả, nhưng cái giọng thì lật bật. Sôi... sôi chửa? Thằng Đông giục mẹ. Mẹ cứ ra đi. Xong ngay đây rồi. Bà Lĩnh sốt ruột đi ra sân, dỏng tai nghe hai đứa rinh rích ngoài bể nước mưa. Ông Khoát về. Nhìn cái điệu đi loẹt quẹt như xe đạp tuột xích, bà ngứa cả mắt. Lại uống rượu ở đâu rồi. Bảo đi quét mộ thì kêu vôi ăn tay. Mà mộ cụ kỵ họ Phùng nhà ông ấy, chứ họ gì nhà bà đâu. Làng này có bảy họ lớn và năm họ nhỏ. Cứ chạp là linh đình lắm. Dân vùng này gọi chạp là Tết sớm.
Cuối cùng thì cái con gà sống lỡ lứa ấy cũng được làm sạch lông nhõn nhĩn. Thấy ông đi ra bà hỏi:
- Này ông! Ông bẩu có vừa cái nồi tôi mới mua không? Ta làm hai mâm cho nhanh, chứ đợi hết tuần hương thì nguội rồi, mất ngon.
Ông nhếch mép nhìn bà, mát mẻ:
- Bà hỏi thằng con rể tương lai ấy. Xem nó thích ăn như nào để biết đường phục vụ. Dào ôi! Ba mươi chửa có là Tết, mà cả mẹ lẫn con cứ rộn lên. Tôi thấy nó lóng nhóng cầm chổi cọ một tay, mà tay chiêu đập niêu không vỡ. Đã thế, còn đeo găng.
Bà Lĩnh nhỏm lên, liếc ra mé cổng. Đúng là hai đứa nó đang quét dọn ngoài ấy. Đến là xấu hổ cho cỏ rác ùn chất lưu cữu. Thì nhà nông mà, gọn gàng sao được. Cốt rõ cái lối đi thôi. Bà nháy mắt cho ông, ra lệnh:
- Ông băm đôi, một nửa rang gừng, một nửa luộc. Thịt bò trong tủ, cá trắm nhốt kia. Để tôi ra xem nó làm sao.
- Thì ra mà xem! Miếng ngon chả còn đến cô.
Bà Lĩnh rửa tay, chống gối đứng dậy, dò ra ngõ. Ái dà. Khi con ngõ được làm sạch, thì cũng rộng dài đáo để. Ai có đến chơi, cũng mát cả chân.
- Này cháu! Tên gì để bác tiện gọi?
Cậu kia bẽn lẽn:
- Dạ con tên Lương ạ!
Bà Lĩnh vỗ hai tay đến bộp vào nhau mừng rỡ:
- Ô! Hợp quá. Bác tên Lĩnh đây. Lĩnh Lương hợp quá.
Hai cô cậu đỏ bừng mặt xấu hổ. Bà Lĩnh sấn thêm một bước và chộp lấy bàn tay phải của Lương bóp mạnh. Rồi bà vội buông ra. Ôi cái bàn tay cứng như kìm. Thanh niên rèn luyện có khác. Thế thì may đời con Sang nhà bà rồi. Được nhờ chồng là cái chắc. Chứ đâu như bà, khổ một đời khi lấy phải chồng suốt ngày đội men ngất ngưởng.
Mỗi người một tay, một chân, đến trưa thì mâm cơm chạp thịnh soạn cũng được bày lên án gian. Bà Lĩnh so đũa, châm tửu, thắp lên ba nén hương rồi chắp tay, làu làu nôm khấn:
- Con nam mô a di đà phật! Con nam mô a di đà phật! Con lạy chín phương trời, lạy mười phương chư phật. Con tấu lạy các quan thần linh, thổ địa. Con tấu lạy các ngài thổ công, táo quân. Con tấu lạy ông bành tổ. Con kính lạy mẹ cha. Hôm nay ngày mười hai tháng Chạp năm Canh Tý, vợ chồng con là Đặng Thị Lĩnh và Phùng Văn Khoát làm mâm cơm khấn mời thần phật, tổ tiên trở về thôn ban, làng Hữu, xã Thọm, huyện Trung Lai lâm hiến hưởng, phù hộ độ trì cho gia đình con bình an vạn sự, phù hộ cho con gái con là Phùng Thị Sang năm nay hăm bẩy tuổi chóng thấy duyên lành kết thành chồng vợ. Cho con trai con là Phùng Văn Đông tìm được việc làm, bớt lông bông, láng báng. Xin cho chúng con được động, được chạm, quét tước, vôi ve, làm sạch cửa hè cho cha mẹ, anh em con muôn phần gọn ghẽ. Chốn trần sao, chốn âm vậy, trời muộn quá rồi, các con đường xa về đã đói còn mệt, trước xin các ngài thong thả nhâm nhi chén rượu nhạt và chứng cho con lòng thành. Sau xin phép các ngài cho chúng con thọ lộc. Vợ chồng, con cái chúng con người trần mắt thịt xin ghi lòng tạc dạ, hễ có gì sai sót thất lễ, kính mong được các ngài đánh cho hai tiếng đại xá ạ.
Dứt lời khấn, bà Lĩnh khoát tay bảo thằng Đông đứng phía sau:
- Các cụ xơi đây, nhà ta xơi bên phản. Mau bưng mâm lên, anh chị đói tái mặt rồi kìa.
Thằng Đông nhanh nhẹn chạy xuống bếp bê mâm cơm thứ hai to hơn, đầy hơn lên, đặt trên chiếc phản khuôn đã trải chiếu hoa. Cả nhà năm người quây quần vừa vặn. Ông Khoát giọng có vẻ bớt ngầy ngà sau bữa rượu sáng bên nhà ông trưởng họ:
- Cứ tự nhiên như ở nhà nhá! Mà cháu bỏ cái găng tay ra. Thịt gà là chúng ta phải dùng tay. Có mấy món phải dùng tay đấy...
Bà véo ông một cái, ông dừng lại luôn. Sang đỡ lời Lương:
- Anh ấy đang bị đau tay bố ạ. Con sẽ gỡ cho anh ấy.
Ông Khoát tỏ ra dễ dãi:
- Thôi được rồi, chúng ta nâng ly!
Ông Khoát tay nhón chén mình, tay nhón chén bên cạnh, tự chạm vào nhau một cái rồi dúi vào tay cậu trai. Có lẽ bất ngờ quá, cậu ta chưa kịp đón lấy nên cái chén rơi xuống chiếu, rượu đổ hết. Ông Khoát luống cuống gạt rượu xuống nền. Cậu khách thì ngượng ngùng xin lỗi. Bà Lĩnh cảm thấy có gì không ổn từ hai bàn tay đi găng của khách và giục:
- Thôi, cháu cứ bỏ cái găng tay ra ăn uống cho thoải mái.
Lương tỏ ra luống cuống nhưng vẫn đưa bàn tay trái lên miệng, cắn răng vào chiếc găng ở ngón tay giữa và rút mạnh ra. Cả nhà sững sờ. Một bàn tay sẹo nhì nhằng chỉ còn hai ngón út và áp út. Còn lại đều cụt hết. Anh đưa nốt bàn tay còn lại lên môi và giựt chiếc găng còn lại ra. Lần này thì bà Lĩnh thiếu nước lăn đùng ra phản. Hóa ra, khi nãy bà vồ vào cái bàn tay giả. Hèn gì nó cứng thế. Con gái bà, quả bom nổ chậm xinh đẹp, nổi tiếng đảm đang tháo vát ở làng này. Chỉ vì kén chọn mà người làng xã chán chường chả buồn mai mối cho nữa.
Chén rượu được Lương kẹp vào hai ngón có vẻ cũng chắc chắn và nâng lên chạm vào chén rượu của ông Khoát:
- Con xin phép hai bác ạ! Con còn lái xe nên không uống rượu.
Ruột gan bà Lĩnh như có ai cấu véo. Chồng bà đây, tay chân lành lặn. Bà còn khổ từng này. Cậu kia, tay cụt, tay tật. Mà tay thế, chắc gì người đã lành lặn. Rồi con bà khổ một đời. Cũng tại bà cơ. Cứ giục giã nó, để nó cuống lên mới ra nông nỗi này.
Không khí bữa ăn trầm xuống. Thằng Đông thì vẫn tươi tắn tiếp thức ăn cho bạn của chị gái. Nó vừa tốt nghiệp đại học Luật, chưa xin được việc, còn đang ăn bám mẹ. Còn Sang thì làm công nghệ thông tin dưới thành phố. Nó hỏi Lương bằng cái chất của bọn trẻ không hàm chứa cái sự vòng vo: Anh bị tai nạn à? Lâu chưa? Cũng chục năm rồi. Nhọ nhể! Anh làm cơ khí à? Không. Anh là lính công binh, đào đường, gỡ mìn...
Nghe lỏm đến đấy, bà Lĩnh vội dừng đũa hỏi: Mìn ở đâu hả cháu?
Lương lễ phép. Dạ, mìn sót lại từ chiến tranh bác ạ. Bà Lĩnh vội buông đũa. Chết thật. Gần đây, bác xem ti vi thấy có vụ nổ mìn ở Hà Giang làm một anh hy sinh, một anh bị thương phải cắt bỏ tay. Đau xót lắm, mới có hai mốt tuổi. Thế cháu bị lâu chưa? Dạ, khi đó con cũng 21 tuổi ạ. Nhưng là ở Quảng Nam. Năm đó, cũng giáp Tết như thế này ạ.
Bà Lĩnh bần thần. Từ đó đến cuối bữa, hai ông bà không đả động gì đến chuyện tai nạn hay bom mìn nữa. Câu chuyện được chuyển sang hướng thu nhập của lao động thời nay, dịch bệnh, thiên tai. Có vẻ như cậu này rất hiểu biết.
Ăn xong cũng muộn nhưng váng đầu nên bà Lĩnh vẫn đi nằm một lúc. Nằm thôi chứ chả ngủ được vì lòng dạ cứ buồn bã sao ấy. Bà vục dậy, vớ cái liềm định đi ra ao làm đon cỏ bò. Bỗng bà nghe lọt tai tiếng con Sang: “Sếp đỡ em quả này”. Lại còn gọi người yêu là sếp! Sếp gì thằng này, có mà xếp xó. Bà ngó ra vườn. Đứa dưới đất, đứa trên cây, đang bứt khế. Đợi con Sang tụt xuống, đi vào bếp lấy muối ớt, bà khẽ hỏi: “Mày vừa gọi ai là sếp đấy hả?”. Con Sang xoa tay hì hì. Dạ, tên thường gọi của anh ấy ở công ty đấy ạ. Công ty gì? Thằng này thì làm được gì mà công ty công teo. Ôi, mẹ nói khẽ thôi. Anh ấy là chuyên viên phần mềm mà. Phần mềm gì, sao tao phải khẽ? Tóm lại quan hệ chúng bay đến đâu rồi? Dạ, mới sơ sơ thôi ạ. Này, mày vòng vo gì đấy? Giỏi rồi. Dám lừa cả mẹ. Thế mà nó bảo chúng mày đã yêu nhau hai năm. Thấy con gái im thít, bà bắt nọn. Thấy bảo nó làm sếp? Vâng anh ấy là giám đốc chi nhánh công ty con. Ôi giời, công ty mày hết người lành rồi hay sao mà cho thằng cụt tay làm giám đốc. Ơ mẹ, công ty con kinh doanh lĩnh vực công nghệ thông tin mà. Giám đốc mà đi xe máy về quê à? Tao chả thấy nó có dáng giám đốc. Mẹ ạ. Anh ấy có ô tô, nhưng lần này đi xe máy cho thoáng. Thôi được, để tôi với bố chị còn xem xét.
Sang hớn hở đi ra sân, vỗ vào vai Lương mà khoe. Em phải khai thật hết thì mẹ mới xuôi xuôi đấy. Khả năng cao là mẹ sẽ đồng ý. Anh nên thông cảm cho các bà mẹ ở quê, nghèo nhưng lại có con gái giỏi giang... Lương mỉm cười. Em chưa hiểu mẹ đâu. Thật ra, mẹ đã đồng ý cho chúng mình yêu nhau rồi. Sang ngạc nhiên suýt thì rơi đĩa muối. Bao giờ cơ? Từ trưa, vừa lúc ăn cơm xong, dù anh chỉ nói anh làm thợ thôi. Mẹ bảo thợ gì cũng được, miễn lương thiện và thương con tôi thật lòng, tôi duyệt anh. Cưới sớm đi, tôi còn bế cháu cho.
Sang dúi đĩa muối vào tay người yêu, quay lại, đã thấy bà Lĩnh đứng đấy. Sang tét nhẹ vào mông mẹ mà nũng nịu. Cứ trêu người ta. Bà Lĩnh rươm rướm nước mắt. Tết này về sớm đấy nhá, cả hai đứa!
Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN