Vừa kéo được mấy chục cây luồng vượt sông qua cầu tre để mang đi bán, ông Vi Văn Phục, sinh năm 1956, trú tại bản Tân Sơn, xã Sơn Điện, cho biết: “Gia đình tôi có 5 sào đất trồng lúa, hơn 3ha đất trồng luồng, tre cùng chuồng trại chăn nuôi đều nằm ở phía bên kia sông. Mỗi khi đến kỳ thu hoạch, việc vận chuyển nông sản qua sông rất vất vả, nhất là vào mùa mưa lũ. Đã có nhiều người khi qua sông bằng bè mảng chẳng may gặp nạn”.

leftcenterrightdel

Cầu tre bắc qua sông Luồng tại bản Tân Sơn, xã Sơn Điện (Quan Sơn, Thanh Hóa). 

Thực tế, tại dọc tuyến sông ở xã Sơn Điện, chúng tôi thấy chỉ có một vài bản người dân làm cầu tre, còn lại chủ yếu bà con phải qua sông bằng bè mảng, cáp treo tự chế. Không chỉ mất an toàn do phương tiện thô sơ bằng bè mảng mà cách thức để người dân sang sông, vận chuyển nông sản cũng không bảo đảm an toàn. Ông Lương Văn Tư, Trưởng bản Tân Sơn, cho biết: “Ở phía bên kia sông có đất đai canh tác, thuận tiện sản xuất nông nghiệp nhưng do không có cầu, con cái đến trường phải lên bè qua sông, nguy hiểm nên bà con chuyển dần sang bên này sinh sống. Mỗi lần đi làm nông nghiệp, người dân lại phải rất vất vả để qua sông”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Nhật Quang, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện, cho biết: “Hiện nay, tại huyện Quan Sơn đang có hai cây cầu treo ở xã Mường Mìn và xã Trung Hạ. Xã Sơn Điện chưa có cầu vững chãi nên ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân. Người dân chở nặng phải di chuyển xa đến các xã khác mới có cầu treo qua sông. Nếu có một cây cầu kiên cố, không chỉ thuận tiện hơn cho việc đi lại của người dân mà địa phương sẽ định hướng đưa phương án di dân sang bên kia sông vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Việc cần có một cây cầu cứng hoặc cầu treo dân sinh bắc qua sông Luồng là rất cấp thiết”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan