Hiện tại, các điểm đến, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội đã và đang đồng loạt “làm mới” các sản phẩm du lịch, với hai mục tiêu chính: Khuyến khích “người Hà Nội đi du lịch Hà Nội” và thu hút khách du lịch trong nước. Ngoài những chương trình du lịch truyền thống, Sở Du lịch Hà Nội đã kết nối các doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị cung ứng dịch vụ, các điểm đến trên địa bàn xây dựng một số sản phẩm mới, tiêu biểu, hấp dẫn để giới thiệu và phục vụ nhu cầu của đông đảo du khách khi đến Hà Nội như trải nghiệm tour “Đêm thiêng liêng – sáng ngời tinh thần Việt” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò do Ban quản lý di tích Hà Nội phối hợp với Công ty lữ hành Hanoitourist tổ chức; tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”; city tour Hà Nội về đêm; tour tâm linh “Tứ Bất tử - linh thiêng ngàn đời”; Bảo tàng Dân tộc học với nhiều chương trình ý nghĩa như "Hương mùa thu Hà Nội", "Ngày của gia đình", "Vui hè - khám phá cùng bạn bè” hay những chương trình du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì…
 |
Hướng dẫn viên đang giới thiệu với du khách trước khi bước vào hành trình trải nghiệm “Đêm thiêng liêng - sáng ngời tinh thần Việt” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Khánh Huyền |
Đồng thời, để tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng có giá thành hợp lý, ngành du lịch Thủ đô đã chủ động kết nối giữa cơ quan quản lý - hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị dịch vụ hàng không, đường sắt, ô-tô, khách sạn, lữ hành, điểm đến... triển khai các chương trình cơ cấu lại ngành du lịch, tập trung xây dựng sản phẩm kích cầu du lịch nội địa.
Tuy nhiên, sau một năm gần như “đóng băng”, du lịch mới chỉ bước đầu phục hồi, hàng nghìn doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú vẫn đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp vẫn ngần ngại trong “tái khởi động” vì sợ rủi ro có thể quay lại. Tôi cho rằng, để thu hút khách du lịch đến với Thủ đô hơn nữa, các điểm đến và các doanh nghiệp phải chú trọng khai thác một cách có chiều sâu, đem đến những trải nghiệm mới cho du khách; liên kết với các tỉnh, thành phố khác để hình thành nên những tour “Hà Nội+” (khách tham quan, nghỉ dưỡng tại Hà Nội và đi các tỉnh); có các gói sản phẩm phù hợp từng đối tượng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh du lịch học đường với định hướng nâng cao tinh thần yêu nước cho học sinh, sinh viên tại các bảo tàng, làng văn hóa; tổ chức du lịch đường sông với các điểm đến kết hợp di tích lịch sử văn hóa, làng nghề; du lịch tâm linh kết hợp du lịch nghỉ dưỡng.
Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ, nhất là về thuế, về bảo hiểm cho nhân lực du lịch để các doanh nghiệp quay lại thị trường, vì sớm hay muộn ngành du lịch sẽ mở cửa đón khách quốc tế. Doanh nghiệp trở lại hoạt động, năng lực đáp ứng được bảo đảm thì du lịch Việt Nam mới có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
THANH TÂM (Long Biên, Hà Nội)