Rác thải sau khi phân loại được cho vào lò đốt xây bằng gạch chỉ với kích thước rộng 1m, dài 1m, thân lò cao 1,4m, ống khói cao 1m có đường kính từ 20-25cm, dàn thép đỡ rác được đặt cách đáy lò 0,3m. Chi phí vật liệu mỗi lò đốt rác khoảng 1,5 triệu đồng. Do có sự ngăn cách với mặt đáy lò bằng hệ thống dàn thép nên đây được xem là hình thức phơi rác và xử lý rác. Ở bên dưới được thiết kế một cửa đốt và hai cửa hút gió hai bên. Lò có thể được sử dụng đốt rác hằng ngày hoặc 2-3 ngày một lần, đáp ứng nhu cầu tiêu hủy rác thải cho từ 5 đến 7 hộ gia đình (xem ảnh)

leftcenterrightdel
 

Hiện tại, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đã triển khai được mô hình lò đốt mi-ni này thông qua sự giúp đỡ của hội phụ nữ, đoàn thanh niên các cấp từ tỉnh đến xã. Các lò đốt được xây theo cụm dân cư, cụm gia đình nên rất thuận tiện cho việc gom và đốt rác. Tỉnh đoàn Bắc Kạn đã hỗ trợ xây dựng 20 lò đốt rác thải tập trung tại huyện Bạch Thông, Pác Nặm, cùng với đó là việc tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân, chú trọng vào cán bộ, đảng viên địa phương, để nhân dân thấy được việc thực hiện mô hình là có lợi cho sức khỏe, sạch đường làng, ngõ xóm.

Từ khi xây dựng các lò đốt rác thải ở hộ gia đình, lượng rác thải sinh hoạt tại các địa phương cơ bản được giải quyết, người dân đã bắt đầu làm quen với việc phân loại rác hằng ngày và xử lý rác đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Bài và ảnh: ĐỖ KIM TẬP (Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn)