Đỗ Hà Cừ sinh năm 1984, là nạn nhân di chứng bởi chất độc da cam/dioxin từ người bố là quân nhân từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Gần 40 năm qua, Đỗ Hà Cừ chỉ nằm một chỗ, anh không thể ngồi dậy và đi lại được, mọi sinh hoạt đều nhờ vào bố mẹ chăm sóc. Vì thế, anh không tự điều khiển được cơ thể của mình trừ ngón tay trỏ bên phải. Dù không được đi học, nhưng nhờ nghị lực phi thường, tinh thần vươn lên, ham học hỏi và tình yêu đọc sách, anh đã nhờ mẹ mình dạy cách đọc, cách viết.

Nhà văn khiếm thị Lê Trung Cường trao sách tặng Câu lạc bộ Không gian đọc Hy vọng do anh Đỗ Hà Cừ làm chủ nhiệm.

Đỗ Hà Cừ còn có khả năng làm thơ, viết sách và tự nghiên cứu để sử dụng máy vi tính. Cũng từ đây, anh có thêm bạn bè và nhiều mối quan hệ trên mạng xã hội. Để kết nối mọi người với nhau và cùng chia sẻ, lan tỏa niềm đam mê đọc sách, năm 2015, anh Cừ đã thành lập CLB Không gian đọc Hy vọng tại nhà. Hiện nay, CLB có khoảng 4.000 đầu sách các loại, trong đó có 2.000 đầu sách để luân chuyển; thu hút gần 1.000 bạn đọc với khoảng 1.000 lượt mượn sách, trong đó nhiều bạn đọc là người khuyết tật. Ngoài ra, anh cũng thành lập được 15 không gian đọc sách dành cho người khuyết tật ở các địa phương do chính người khuyết tật làm quản lý…

Nhiều đầu sách có nội dung rất hay của nhà văn khiếm thị Lê Trung Cường như: "Dẫu không nhìn thấy nắng", "Phú Quốc trong kính mắt thần", "Mưa xuân ngoài ô cửa", "Trong mắt trái tim", "Mùa xuân trở lại"… đã được tác giả tặng CLB Không gian đọc Hy vọng. Chia sẻ về việc làm của mình, nhà văn Lê Trung Cường nói: “Tôi rất khâm phục trước nghị lực và ý chí của bạn Đỗ Hà Cừ. Dù là người không may bị khuyết tật từ nhỏ, nhưng Cừ đã làm được những việc hết sức ý nghĩa, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng mà không phải người bình thường, khỏe mạnh nào cũng có thể làm được. Tôi xin góp một số cuốn sách của mình vào CLB Không gian đọc Hy vọng của bạn Đỗ Hà Cừ với mong muốn nhiều hơn nữa các độc giả tìm đến đây đọc sách, từ đó lan tỏa tình yêu đọc sách đến tất cả mọi người, nhất là với những người không may bị khuyết tật”.

Việc làm của nhà văn khiếm thị Lê Trung Cường có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, rất đáng được biểu dương và nhân rộng.

Bài và ảnh: THANH HUYỀN