Theo đó, giờ làm việc bắt đầu từ 8 giờ 30 phút, kết thúc lúc 17 giờ, thời gian nghỉ trưa kéo dài một giờ. Đề xuất này nhận được sự quan tâm của dư luận. Báo Quân đội nhân dân ghi nhận ý kiến, quan điểm của bạn đọc về vấn đề này.
Nên chăng chỉ lùi giờ vào mùa đông?
Phương án lùi giờ làm việc cần được nghiên cứu khoa học, đầy đủ để đánh giá tác động và tính hiệu quả. Nếu lùi giờ nhằm nâng cao năng suất lao động thì đây chỉ là hàm số của quá nhiều biến số, trong đó, giờ làm việc chỉ là một tiêu chí mà tiêu chí đó có thể khiến năng suất lao động tăng hay giảm. Chẳng hạn, khí hậu của Việt Nam oi bức về mùa hè, nhất là buổi trưa nên nếu làm việc từ 8 giờ 30 phút sẽ nghỉ trưa muộn và có người thích nghi được nhưng cũng có người không thích nghi được. Vì vậy, nên chăng chỉ cần lùi giờ làm việc vào mùa đông, còn mùa hè nên giữ nguyên.
Giao thông trong giờ cao điểm tại TP Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY
Cũng cần có nghiên cứu khoa học vì lùi giờ áp dụng với một vài cơ quan làm việc độc lập thì thấy hiệu quả nhưng nhiều cơ quan, công việc lại liên quan đến các cơ quan khác nên nếu giờ làm việc lệch nhau thì công việc cũng bị hạn chế. Mặt khác, việc lùi giờ làm việc với hy vọng để tránh ùn tắc giao thông thì thực tế chưa hẳn, vì chống ùn tắc cần nhiều giải pháp mà lùi giờ chỉ là vấn đề nhỏ, thậm chí không mang lại hiệu quả vì thực tế nhiều cơ quan đã có giờ làm lệch nhau rồi.
Tiến sĩ KHƯƠNG KIM TẠO (Nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia)
Cần nghiên cứu tổng thể
Đề xuất lùi giờ làm việc trong đó có lợi ích tăng năng suất lao động là đề xuất ban đầu của đại biểu, xuất phát từ quan sát cá nhân. Việc thay đổi này cần có nghiên cứu tổng thể, xem xét các lĩnh vực công việc, nghề nghiệp, điều kiện làm việc của từng nhóm đối tượng để đánh giá tác động cụ thể về kinh tế, về xã hội, không thể tùy tiện áp dụng. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đối với công chức, viên chức phụ thuộc nhiều vào trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm cá nhân, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện sử dụng, phân công lao động, tổ chức quản lý... Ví dụ, cán bộ nghiên cứu thì làm việc vào ban đêm lại hiệu quả hơn, việc lùi giờ làm việc đối với hành chính dịch vụ công sẽ gây khó khăn cho việc đi lại, giao dịch của người dân khi thời tiết mùa hè nhiệt độ tăng cao… Tôi cũng chưa thấy có nghiên cứu nào ở Việt Nam khẳng định việc lùi giờ làm sẽ tăng năng suất lao động. Chính vì vậy, tôi đề nghị nên giao cho các địa phương chủ động bố trí.
Ở các đô thị tập trung như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh còn phụ thuộc rất lớn vào mật độ giao thông (cơ sở hạ tầng và số lượng người tham gia). Do đó, dứt khoát phải kéo giãn thời gian đi lại của các đối tượng, không thể tập trung vào cùng một thời điểm. Thời gian làm việc bắt đầu và kết thúc ở thời điểm hiện tại các địa phương này đã điều chỉnh và áp dụng là tương đối phù hợp, không nên thay đổi, tránh xáo trộn.
ĐẶNG QUANG HỢP (Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính, Viện Công nhân và Công đoàn)
Thay đổi là cần thiết nếu đem lại lợi ích
Thay đổi giờ làm không tránh khỏi những khó khăn nếu áp dụng vào thực tế do sẽ thay đổi thói quen lâu nay và ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của nhiều cá nhân, gia đình. Theo tôi, nếu thay đổi đem lại lợi ích lớn hơn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thì cần ưu tiên cho cái lớn hơn. Điều quan trọng là cần đánh giá đầy đủ tác động và tính hiệu quả của việc đổi giờ làm. Tôi là người có con nhỏ, làm trong cơ quan hành chính, việc lùi giờ làm của cha mẹ và lùi giờ học của con rất thuận tiện, vì có nhiều thời gian buổi sáng chăm lo cho con, sẽ không phải vội vàng đưa con đi học. Nghỉ trưa một giờ là hợp lý vì đang guồng làm việc, nghỉ như vậy buổi chiều làm việc sẽ hiệu quả. Ban đầu mọi người có thể không quen nhưng rồi sẽ quen. Mặt khác theo tôi, lùi giờ làm của một nhóm lao động cũng góp phần tránh được ùn tắc giờ cao điểm và giảm ức chế cho người dân. Bên cạnh đó sẽ giúp mọi người thoải mái, tăng năng suất lao động và tiết kiệm được chi phí.
LÊ THỊ LÝ (Trường Đại học Lao động - Xã hội)
Chưa vội triển khai ở tất cả địa phương
Nếu lùi giờ làm ở tất cả khối hành chính dịch vụ công để tăng năng suất lao động, tôi nghĩ cũng cần nghiên cứu thêm. Nước ta thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, 5 giờ trời đã sáng, đợi đến 8 giờ 30 mới đi làm sẽ rất muộn. Mặt khác, thời gian nghỉ trưa chỉ còn một giờ dành cho ăn, ngủ nghỉ là quá ít. Để chuẩn bị đồ ăn cũng mất mấy phút, ăn trưa mất 30 phút, như vậy, thời gian nghỉ trưa không còn là bao. Còn nếu cho rằng nghỉ trưa ngắn tốt hơn nghỉ trưa dài thì cần phải có nghiên cứu, chứng minh thật khoa học. Ở bệnh viện, nếu áp dụng giờ làm như vậy là không nên vì bệnh nhân lấy máu xét nghiệm sẽ phải nhịn đói rất lâu.
Theo tôi được biết, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đề xuất thay đổi giờ học, giờ làm. Song tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ trước khi triển khai. Sau khi thử nghiệm cần phải đánh giá rồi mới triển khai rộng rãi. Tốt nhất là không nên triển khai đồng loạt ở tất cả địa phương.
Bác sĩ NGÔ THỊ THUÝ (Bệnh viện quận Hà Đông, TP Hà Nội)