Đến dự tọa đàm có các đồng chí: Lê Quốc Phong, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, cùng các đại biểu nhân chứng lịch sử.

Đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng hoa cho các nhân chứng tham gia chương trình.

Tại tọa đàm, các tham luận đều khẳng định, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, học sinh, sinh viên và trí thức trẻ miền Nam nói chung và tuổi trẻ Sài Gòn - Gia Định nói riêng dù đóng vai trò ở nhiều mặt, với nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng đã tham gia tích cực trong công tác chuẩn bị và trực tiếp đấu tranh. Đây là một trong những lực lượng chủ công trong các phong trào đấu tranh, nhất là đấu tranh ở đô thị bằng hình thức vũ trang chính trị, vũ trang biệt động, chính trị công khai… Nhiều hoạt động tiêu biểu như: Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tổ chức Đại hội văn nghệ học sinh, sinh viên mừng Tết Quang Trung quy tụ hơn 12.000 thanh niên với nhiều tiết mục tuyên truyền bảo vệ văn hóa dân tộc, đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh, ca ngợi đất nước; tuổi trẻ Sài Gòn - Gia Định thành lập các đội tuyên truyền vũ trang, xây dựng các cơ sở giao liên, trinh sát đón và dẫn đường quân giải phóng; tại Tây Ninh, lực lượng thanh niên xung phong Hoàng Lê Kha vừa tham gia phục vụ tiền tuyến, vừa chiến đấu cùng các lực lượng vũ trang…

Tại tọa đàm, các đại biểu được nghe những nhân chứng kể lại những kỷ niệm, thời khắc hào hùng của những ngày diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 như: Bà Lê Thị Hiền (bí danh Năm Lan), ông Trần Thiện Tứ (bí danh Bảy Thiện), ông Hoàng Đôn Nhật Tân (nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Thành đoàn TP Hồ Chí Minh), bà Trương Mỹ Lệ (nguyên quyền Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh), ông Phạm Chánh Trực (nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh)…  Những câu chuyện, bài học kinh nghiệm từ các nhân chứng về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã góp phần nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang, truyền thống anh hùng của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cho đoàn viên, thanh thiếu nhi cụm miền Đông Nam Bộ. Qua đó, cũng góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đoàn, đoàn viên, hội viên, đội viên trong tham gia xây dựng, bảo vệ, phát triển địa phương và đất nước.

Trước khi diễn ra tọa đàm, đoàn đại biểu Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ các đơn vị đã đến dâng hương tại Bia tưởng niệm các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định hy sinh tại Dinh Độc Lập, dâng hương Anh hùng LLVT nhân dân, Liệt sĩ Hồ Hảo Hớn, nguyên Bí thư Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định (quận Bình Thạnh), tham quan Di tích Hầm chứa vũ khí bí mật phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (quận 3)...

Tin, ảnh: HÙNG KHOA