Sau khi giải phóng Tây Nguyên, quân ta ồ ạt tiến xuống đồng bằng, giải phóng các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... Thế chiến lược coi như đã ngã ngũ, nhưng Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh ngụy quyền Sài Gòn vẫn ngoan cố chống cự điên cuồng. Thiệu chỉ thị cho Cao Văn Viên lập tuyến phòng thủ mới ở Ninh Thuận chặn đà tiến công của ta. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được giao chỉ huy mặt trận Phan Rang và chuẩn tướng Sang, sư đoàn trưởng không quân lập bộ chỉ huy ở sân bay Thành Sơn (Phan Rang) để chi viện bộ binh.

Lúc này, đơn vị của chúng tôi-Sư đoàn 968 đang tập trung quét địch ở Bình Định, Phú Yên lập tức được điều vào phòng thủ Khánh Hòa. Sở chỉ huy sư đoàn đặt ở một vườn xoài phía tây Cam Ranh. Cơ quan sư đoàn ở trong nhà dân, vừa làm công tác tuyên truyền vận động các chức sắc ngụy ra trình diện, vừa kiểm soát an ninh, truy quét tàn quân ngụy.

Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội tại Cam Ranh, tháng 4-1975. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Cam Ranh là căn cứ lớn của Mỹ ở miền Nam, rất nhiều nhà dân có người thân tham gia bộ máy ngụy quyền hoặc làm việc cho Mỹ. Nhóm chúng tôi có 3 người, ở trong nhà một người phụ nữ có chồng làm cảnh sát ngụy, nhưng chưa ra trình diện. Cả gia đình họ đều có ý dè chừng bộ đội giải phóng. Bởi thế, khi đóng quân tại địa bàn, nhiệm vụ dân vận của chúng tôi cũng rất quan trọng. Chúng tôi thường xuyên phân tích, khuyên nhủ người vợ động viên chồng ra trình diện. Thấy cách sinh hoạt, cư xử đúng mực, chân thành của bộ đội khi sống trong nhà, dần dần gia đình đối xử với chúng tôi có phần thiện cảm hơn. Khi ta giải phóng Bình Thuận, bắt tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và chuẩn tướng Sang thì quả nhiên viên cảnh sát này ra trình diện. Đúng là chính trị kèm với quân sự mới có thể thắng lợi triệt để.

Thời điểm đó, hằng ngày, tổ trinh sát kỹ thuật của sư đoàn chúng tôi vừa thu thập tin kỹ thuật trên sóng vô tuyến điện của quân ngụy, vừa nghe đài phát thanh Sài Gòn để tổng hợp tin tức. Lúc gần 11 giờ ngày 30-4-1975, bỗng đài Sài Gòn mất tiếng, chỉ còn những âm thanh lẹt xẹt, sau đó im lặng. Linh cảm của người lính cho tôi biết đã có sự kiện bất thường diễn ra ở Sài Gòn. Tôi vội báo cáo với chỉ huy sư đoàn và chỉ thị cho tổ kỹ thuật mở tất cả máy PRC-10, PRC-25 hiện có để quét các tần số liên lạc của quân ngụy. Không khí rất khẩn trương và hồi hộp, không ai muốn rời sở chỉ huy sư đoàn dù đã hết phiên trực.

Sau nhiều lần kiểm tra, tổ trinh sát kỹ thuật báo cáo tất cả tần số vô tuyến điện của các đơn vị quân ngụy mà ta vẫn theo dõi đều im lặng, không hoạt động. Đến gần 12 giờ, mấy chiếc đài vẫn mở sẵn bỗng lại có tiếng kêu lẹt xẹt, sau đó có tiếng gõ cộc cộc rồi giọng một người đàn ông vang lên: “Yêu cầu tất cả nhân viên của đài phát thanh Sài Gòn trở lại nhiệm sở để đài tiếp tục hoạt động”. Sao lại thế? Mọi người nhìn nhau khó hiểu. Chẳng lẽ đài phát thanh Sài Gòn vẫn còn, ta vẫn chưa chiếm được Sài Gòn? Chẳng lẽ địch đang phản kích? Không khí căng thẳng bao trùm khắp căn phòng, mọi người nín thở để nghe từng động tĩnh, từng tín hiệu.

Đến giờ, tôi không còn nhớ chính xác khoảng thời gian chờ đợi đó là bao nhiêu phút, nhưng cho đến khi nghe được lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh thì mọi người vỡ òa vui sướng. Đồng chí Sư đoàn trưởng Phạm Thanh Sơn ngày thường vẫn nghiêm nghị là thế mà lúc ấy cũng náo nhiệt chẳng khác gì thanh niên chúng tôi. Mọi người ôm chầm lấy nhau, nước mắt giàn giụa không thốt nên lời. Không rõ ai đó đã kịp vẽ lên tấm bản đồ quân sự một mũi tên đỏ chói từ hướng bắc chỉ thẳng vào trung tâm Sài Gòn cùng dãy số đậm nét: 30-4-1975. Buổi tối hôm ấy, tất cả nhà dân ở Cam Ranh có bộ đội đóng quân đều náo nhiệt vì tiếng cười nói, tiếng hát ca. Bây giờ, những người lính mới thực sự có giây phút thảnh thơi, thoải mái. Miền Nam đã được giải phóng!

“Cái mũi tên màu đỏ chính là biểu tượng cho con đường mà chúng tôi đã hành quân chiến đấu. Viết nó trên tấm bản đồ chỉ trong khoảnh khắc, nhưng thực tế đã phải mất nhiều năm, trải qua rất nhiều gian khổ, nhiều đồng đội của tôi đã đánh đổi bằng mạng sống để hiện thực được con đường đó, tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn, cho Bắc-Nam một nhà sum họp”, Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền kết thúc câu chuyện bằng những lời xúc động, rưng rưng như thế...

NGỌC HÂN (ghi theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền)