Từng học tập, sinh sống, làm việc ở Liên Xô, nhân dịp này, tôi xin chia sẻ một vài kỷ niệm về những điều tai nghe mắt thấy về những biểu hiện của mối quan hệ khăng khít giữa hai nước.

Những người thuộc thế hệ chúng tôi ai ai cũng hướng về Liên bang Xô viết với lòng ngưỡng mộ sâu sắc và đều ước mơ có ngày được đặt chân lên đất nước xa xôi nhưng rất gần gũi này. Ngờ đâu, vào năm 1954, ước mơ đó đã trở thành sự thật. Số là, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, 100 anh chị em chúng tôi đang học tại Khu học xá Việt Nam đặt tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) được đưa sang Liên Xô học tiếng Nga để chuẩn bị làm phiên dịch cho các chuyên gia Liên Xô sẽ sang giúp miền Bắc khôi phục lại sau chiến tranh.

Ấn tượng sâu sắc nhất, mãi mãi ghi sâu trong lòng chúng tôi là tình cảm của những người dân Liên Xô đối với Việt Nam. Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Liên Xô còn gặp vô vàn khó khăn vì cuộc chiến tranh chống phát xít vô cùng ác liệt kết thúc mới chỉ có vài năm. Ấy vậy mà bạn đã thực sự “nhường cơm sẻ áo”, dành cho chúng tôi những điều kiện học tập, sinh hoạt tốt nhất có thể. Chúng tôi đặc biệt nhớ ơn các thầy giáo, cô giáo luôn coi chúng tôi như con em trong nhà, hết lòng hết sức dẫn dắt chúng tôi vào thế giới của một ngôn ngữ rất đẹp nhưng cũng rất khó là tiếng Nga, trong điều kiện ngôn ngữ bất đồng, lại không có sách giáo khoa, không có từ điển!

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện với các chuyên gia Liên Xô trên công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vào năm 1980. Ảnh: TTXVN. 
Từ những năm tháng ấy, ngày càng đông nam nữ thanh niên Việt Nam đã được cử sang học tập tại Liên Xô, tổng số lên tới hơn 7.000 người thuộc đủ các ngành, các cấp, tạo ra nguồn nhân lực quý báu trong công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước; nhiều người trong số đó đã trở thành những cán bộ chủ chốt về chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế... Như Bác Hồ từng nói: “Con người quyết định hết thẩy” và “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” thì sự giúp đỡ của Liên Xô về phương diện này đáng quý biết nhường nào!

Sự viện trợ vật chất của Liên Xô đối với nước ta cũng thật lớn lao. Những khẩu pháo cao xạ 37mm, những chiếc xe tải Molotova… của Liên Xô đã góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta, biết bao khí tài hiện đại của Liên Xô như tên lửa, xe tăng, máy bay cùng nhiều loại vũ khí khác đã được bạn đưa sang Việt Nam, giúp nhân dân ta bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cá nhân tôi mãi mãi lưu giữ trong lòng một sự kiện nói lên sự giúp đỡ hết sức quý báu và kịp thời của Liên Xô đối với nhân dân ta. Mọi người đều nhớ, trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” chống lại cuộc không kích chiến lược của Mỹ đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác ở miền Bắc mùa đông năm 1972, quân dân ta đã lập nên chiến công hiển hách, bắn rơi nhiều máy bay địch, trong đó có không ít máy bay chiến lược B-52. Tuy nhiên, do trận chiến rất ác liệt nên ta đã phải sử dụng nhiều tên lửa, làm vơi đi đáng kể kho dự trữ loại vũ khí lợi hại này. Đúng thời điểm đó, tôi được cử đi phục vụ Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta do đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, dẫn đầu sang dự Lễ kỷ niệm lần thứ 50 Ngày thành lập Liên bang Xô viết. Đồng chí Trường Chinh đã đặt vấn đề với các nhà lãnh đạo Liên Xô bổ sung gấp tên lửa phòng không và yêu cầu đó đã được bạn đáp ứng ngay lập tức. Một sự việc tương tự tôi được chứng kiến xảy ra vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, khi quân dân ta phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới.

Sự giúp đỡ của Liên Xô trong công cuộc xây dựng kinh tế-xã hội thật vô cùng quý báu. Chắc rằng ai ai cũng nhớ những cái tên quen thuộc như các nhà máy thủy điện: Thác Bà, Hòa Bình, Trị An…; các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí, Phả Lại…; các nhà máy cơ khí: Hà Nội, Cẩm Phả… Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Vietsovpetro, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô… Đằng sau những công trình ấy là mồ hôi, là trí tuệ và cả tấm lòng của người dân Xô viết đối với Việt Nam.

Cá nhân tôi không bao giờ quên một sự việc nhỏ nhưng rất có ý nghĩa về tấm lòng của các chuyên gia Liên Xô sang giúp chúng ta. Vào khoảng năm 1956-1957, tôi đi theo một đoàn tới thăm Nhà máy cá hộp Hải Phòng và ở đó, một nữ chuyên gia Liên Xô đã hướng dẫn đoàn đi thăm các phân xưởng. Tới dây chuyền mổ cá, bà bỗng bật khóc khi thấy chị em công nhân ta vô tình làm sứt lưỡi dao của chiếc máy mổ cá-một chi tiết mà nước ta chưa sản xuất được, nên phải dừng dây chuyền chờ lưỡi dao mới gửi từ Liên Xô sang. Những câu chuyện cảm động như vậy về các chuyên gia Liên Xô thật không kể xiết.

Trong những năm tháng công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Moscow, tôi đã có dịp tiếp biết bao cựu chiến binh Liên Xô tới xin làm Quân tình nguyện sang Việt Nam sát cánh với quân dân ta chiến đấu chống ngoại xâm. Các cụ già nghỉ hưu chống gậy tới Đại sứ quán xin trích tiền từ sổ tiết kiệm nhỏ nhoi của mình gửi giúp nhân dân ta; các cháu thiếu nhi nhờ Đại sứ quán gửi sách vở, giấy bút, khăn quàng đỏ… cho các bạn Việt Nam…

Đặc biệt, các bạn Liên Xô vô cùng yêu quý Bác Hồ-biểu tượng cao đẹp của dân tộc ta và mối tình hữu nghị Việt-Xô. Mỗi lần Bác sang thăm Liên Xô, từ các nhà lãnh đạo cao nhất tới mỗi người dân già trẻ, lớn bé đều coi Bác như người thân chứ không chỉ là một lãnh tụ của nước anh em. Khi Bác qua đời, các nhà lãnh đạo và nhân dân bạn đã chân thành thể hiện niềm tiếc thương vô hạn: Toàn thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng các nhà lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ tới ngay Đại sứ quán ta để chia buồn, đồng thời cử Thủ tướng Alexei Kosygin sang dự tang lễ. Dòng người tới Đại sứ quán viếng Bác dài vô tận-một hiện tượng tôi chưa hề thấy ở Moscow khi các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài mở sổ tang khi lãnh đạo của họ qua đời. Được phân công phụ trách quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong Đại sứ quán, tôi đã trực tiếp chứng kiến những biểu hiện hết sức cảm động về tấm lòng của bạn đối với Bác trong việc lo hậu sự, giữ gìn thi hài và xây dựng Lăng Bác.

Thật không có lời nào có thể mô tả được hết tình nghĩa Việt-Xô. Tôi cứ tự hỏi: Điều gì đã làm nên và nuôi dưỡng tình cảm bền vững như vậy giữa các dân tộc ở xa nhau ngàn dặm? Phải chăng nguồn gốc của mối tình ấy là sự song trùng vận mệnh, bản sắc văn hóa, lòng yêu chính nghĩa, sự đồng cảm với các dân tộc khác gặp cơn hoạn nạn? Với truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nhân dân ta mãi mãi khắc ghi những phẩm chất cao quý ấy của dân tộc Nga và các dân tộc trong Liên bang Xô viết trước đây.

VŨ KHOAN - Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ