Thủ tướng Canada Justin Trudeau vừa đưa ra thông báo, từ năm 2021, nước này sẽ cấm sử dụng các vật dụng nhựa dùng 1 lần như ống hút, túi nylon, chai... nhằm cắt giảm lượng rác thải nhựa gây hại cho hệ sinh thái của nước này.
Thông báo này được đưa ra sau khi Nghị viện châu Âu thông qua lệnh cấm đối với các mặt hàng nhựa sử dụng 1 lần vào cuối tháng 3. Lệnh này bao gồm mục tiêu tái chế 90% chai nước giải khát bằng nhựa vào năm 2029.
Thủ tướng Canada cho biết, rác thải nhựa hiện đang làm ô nhiễm sông, hồ và các đại dương. Chúng vướng vào và làm chết các sinh vật biển như rùa, cá và các động vật có vú ở biển. “Đây là vấn đề chúng ta không thể phớt lờ được,” ông khẳng định.
 |
Canada đẩy mạnh cuộc chiến chống rác thải nhựa. |
Theo chính phủ Canada, mỗi năm có 1 triệu con chim và hơn 100.000 động vật có vú trên biển trên toàn thế giới bị thương hoặc chết do ăn phải các loại rác thải nhựa. Ước tính, mỗi phút trôi qua lại có một xe tải chất thải nhựa đổ vào đại dương.
Một báo cáo của Ủy ban châu Âu cho thấy, 80% rác thải trong các đại dương trên thế giới là nhựa. Loại rác thải khó phân hủy này đã được tìm thấy bên trong các loài động vật biển như rùa, hải cẩu, cá voi và chim. Vào tháng 4, 22 kg nhựa thải (49 pounds) đã được tìm thấy trong bụng xác của một con cá nhà táng đang mang thai trôi dạt vào nước Ý.
Cùng với nỗ lực làm giảm thiểu lượng rác thải nhựa thải ra môi trường, mới đây chính phủ Anh đã công bố sẽ cấm sử dụng các loại đồ nhựa dùng 1 lần vào năm 2020. Các quan chức ước tính mỗi năm quốc gia này tiêu thụ 4,7 tỷ ống hút và 316 triệu que khuấy bằng nhựa.
Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu của Canada Catherine McKenna cho biết: "Chúng ta đều đã nhìn thấy những hình ảnh đáng lo ngại về các loài sinh vật biển bị thương hoặc chết vì rác nhựa." “Đã đến lúc chúng ta phải hành động” bà khẳng định.
Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đang thể hiện nỗ lực của mình trong cuộc chiến bảo vệ môi trường khỏi rác thải nhựa, nhưng hiện có một câu hỏi quan trọng đặt ra là làm cách nào để tái chế một lượng lớn rác thải nhựa dùng hằng ngày đúng cách. Năm 2018, Trung Quốc đã quyết định cấm nhập khẩu chất thải nhựa để tái chế vào nước này. Malaysia và Philippines đều tuyên bố họ sẽ trả lại hàng trăm tấn chất thải nhựa bị ô nhiễm cho các quốc gia xuất khẩu, bao gồm cả Canada. Malaysia cũng đã tuyên bố họ không muốn trở thành bãi rác của thế giới.
HOÀI AN (theo CNN)