Đây là vấn đề trọng yếu, nổi bật trong bức thư Người viết, có ý nghĩa sâu xa, rộng lớn trong toàn ngành, trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND) chứ không chỉ riêng cho cán bộ, chiến sĩ công an Khu XII, theo địa giới hành chính lúc đó. Hơn nữa, 6 điều Bác dạy công an còn đem lại hiệu ứng mạnh mẽ, có tác dụng lan tỏa rộng rãi trong Đảng và trong dân. Thời gian càng lùi xa, ta càng cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn tầm tư tưởng chiến lược, đạo đức cao quý và phong cách ứng xử tinh tế của Người qua những điều Người chỉ dẫn.

Đối với CAND, từ mỗi cán bộ, chiến sĩ đến toàn thể đội ngũ đông đảo đóng vai trò nòng cốt trong LLVT để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Việc học tập và làm theo 6 điều Bác dạy không chỉ thể hiện ý thức và bản lĩnh chính trị, mà còn là tình cảm cách mạng, thúc đẩy hành động sáng tạo, trở thành một nhu cầu văn hóa, tự nguyện, tự giác, bền bỉ trong đời sống hằng ngày.

Triết lý sống và hành động của người công an cách mạng từ lâu đã được khẳng định, được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi thử thách hiểm nguy trong chiến tranh giải phóng chống mọi kẻ thù xâm lược cũng như trong hòa bình, xây dựng và trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Bất cứ trong hoàn cảnh nào, triết lý “CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ” vẫn không ngừng được nêu cao. 6 điều Bác Hồ dạy CAND đã thể hiện và cụ thể hóa một cách sinh động triết lý đó.

Toàn lực lượng đang đẩy mạnh Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người công an cách mạng, bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Đây là việc làm rất thiết thực trong xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, hiện đại, góp phần thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Do đó, việc thấm nhuần sâu sắc và thực hành triệt để 6 điều Bác Hồ dạy công an để rèn luyện tư cách người công an cách mạng vào lúc này phải được coi là một nhiệm vụ chính trị trọng yếu của toàn ngành, của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, trước hết là các tổ chức đảng, của mỗi cán bộ chỉ huy và chiến sĩ công an, đặc biệt đề cao trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn lực lượng.

Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc 6 điều Bác dạy công an trong tình hình, bối cảnh hiện nay, có thể nói sẽ tạo ra nguồn xung lực tinh thần mạnh mẽ góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với 27 biểu hiện mà Đảng đã vạch ra trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Làm được như vậy, cán bộ, đảng viên và chiến sĩ trong lực lượng CAND của chúng ta sẽ có sức mạnh tự bảo vệ mình trước những thách thức và nguy cơ đang phải đối mặt hằng ngày bởi tác động mặt trái của kinh tế thị trường, của mở cửa và hội nhập, của vấn nạn quan liêu, tham nhũng, của mọi tiêu cực và tệ nạn xã hội do chủ nghĩa cá nhân-“giặc nội xâm” nguy hiểm nhất gây ra. Đó cũng là đóng góp của lực lượng CAND vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng Cộng sản cầm quyền thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, ngang tầm nhiệm vụ, như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu ra.

Để xây dựng phong cách người công an cách mạng, bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện tập trung, cô đọng trong 6 lời dạy của Người, cần nghiên cứu thấm nhuần nội dung những lời dạy ấy, từ đó vận dụng sáng tạo vào thực tiễn hoạt động của ngành, vào công tác chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ công an với những đặc trưng, đặc thù của nó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu yêu cầu rèn luyện đạo đức: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”. Đạo đức là gốc của nhân cách. Người coi đạo đức cũng là gốc, là nền tảng của tư cách người công an cách mạng. Người thường dùng “tư cách” hay “tính cách” để biểu đạt quan niệm về nhân cách. Bốn đức để làm người: Cần, kiệm, liêm, chính là bốn phẩm chất của đạo đức cách mạng, của tư cách người công an cách mạng. Người đã từng nhấn mạnh, thiếu một đức thì không thành người. Có đủ cả bốn đức mới là người hoàn toàn. Có cần, kiệm, liêm thì mới chính được. Muốn có đủ cần, kiệm, liêm, chính phải phấn đấu, rèn luyện, thực hành suốt đời, phải suốt đời nêu cao dũng khí quét sạch chủ nghĩa cá nhân, ra sức nâng cao đạo đức cách mạng.

Thực hiện được đạo đức cách mạng là điều căn bản nhất, là tạo được nền tảng đạo đức vững chắc nhất để thực hiện các yêu cầu, trong các mối quan hệ với những chuẩn mực tương ứng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra hết sức rõ ràng, chuẩn xác và sâu sắc về ý nghĩa. Đó là: “Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo” [1].

Có thể thấy, trong 6 điều Bác dạy công an nét phong cách tinh tế, uyển chuyển của Người khi đề cập tới ứng xử của công an trong từng hoàn cảnh, từng công việc, từng đối tượng khác nhau, với chính mình thì phải trung thực, đề cao đạo đức, lại phải tận tụy trong công việc, với đồng sự, đồng nghiệp phải có tình thân ái, quan tâm, giúp đỡ, vị tha nhân ái nhưng với địch phải cương quyết, khôn khéo, cả mưu lược lẫn phương pháp.

Tóm lại, chỉ qua một đoạn văn ngắn với 6 mệnh đề, gói gọn trong 51 chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra các mối quan hệ, các đối tượng và chủ thể, các nguyên tắc, phương châm chỉ đạo, các yêu cầu về chuẩn mực, bao quát các bình diện đạo đức, chính trị, xã hội, văn hóa, liên quan trực tiếp tới rèn luyện tư cách của người công an cách mạng.

70 năm đã trôi qua nhưng những chỉ dẫn quan trọng của Người từ 6 điều dạy đó vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa, vẫn có tính thời sự và hiện đại. Xây dựng phong cách người công an cách mạng, bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ cần phải thấm nhuần và thực hiện 6 điều dạy đó của Người. Đó thực sự là kim chỉ nam hành động, là triết lý khoa học-cách mạng và nhân văn, là thông điệp xây dựng lực lượng CAND trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu mới, nhiệm vụ mới dưới ánh sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

GS, TS  HOÀNG CHÍ BẢO 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr.489-499.