Những ngày này, trên khắp đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mỗi chúng ta lại bồi hồi, xúc động tưởng nhớ các thế hệ cha anh đã hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ  độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đến hôm nay, hơn bốn mươi năm sau ngày đất nước thống nhất, vẫn còn 300.000 “liệt sĩ vô danh” đang an nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ và gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Cả nước vẫn đang chung tay, chung sức hỗ trợ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt của các liệt sĩ, để đưa các anh, các chị về với quê hương, gia đình, đồng đội, để những người con đã cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc không bao giờ bị quên lãng.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (ngoài cùng bên trái) cùng các đại biểu và Ban tổ chức tặng hoa các đơn vị đồng hành cùng chương trình.  

Phát biểu khai mạc chương trình, Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “… Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do.…” và Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng bằng những lời dạy và việc làm thiết thực, hiệu quả.

Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu khai mạc chương trình. 

Thấm nhuần lời dạy của Người, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta, Quân đội ta luôn phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, luôn trân trọng, biết ơn, khắc ghi sự cống hiến, hy sinh to lớn của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; đồng thời, có nhiều chủ trương, quyết sách đầy tình nghĩa nhằm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần các đối tượng chính sách ngày càng tốt hơn. Các hoạt động thăm, tặng quà, xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm; tạo công ăn, việc làm có thu nhập ổn định cho các đối tượng chính sách... không chỉ là tình cảm, trách nhiệm mà còn là nét đẹp chiều sâu văn hóa của con người Việt Nam.

Chúng ta xúc động trước những nghĩa cử cao đẹp của các tầng lớp nhân dân đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công; chúng ta càng thêm tự hào và xúc động trước nghị lực vượt lên mất mát, khó khăn của các đối tượng chính sách. Những việc làm thiết thực của mỗi người dân, của mỗi cán bộ, đảng viên đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chăm sóc các đối tượng chính sách, giúp họ vơi bớt nỗi đau do chiến tranh để lại.

Trong niềm xúc động, tự hào ấy, hôm nay, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa”. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa của Báo Quân đội nhân dân  nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Với kịch bản được xây dựng công phu, chặt chẽ, giàu tính tư tưởng, chất nhân văn và nghệ thuật đặc sắc, Chương trình nghệ thuật "Đất nước vẹn tròn ân nghĩa" được kết cấu với hai phần: “Sự hy sinh cao cả” và “Tri ân”, bao gồm nhiều ca khúc ngợi ca tình yêu Tổ quốc, quê hương, đất nước; tình đồng chí, đồng đội và tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công … do các ca sĩ: Quốc Hưng, Lan Anh, Anh Thơ, Hồng Hạnh, Đăng Dương, Trần Hồng Nhung, Trường Bắc, Lê Anh Dũng, nhóm Phương Bắc… cùng tập thể ca sĩ, diễn viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Trường Múa Việt Nam trình diễn, mang đến cho khán giả những cảm xúc lắng sâu và nồng ấm. Các tác phẩm nghệ thuật cùng với những phóng sự được trình chiếu tại chương trình góp phần nêu bật, ngợi ca và tưởng nhớ những người con trung hiếu của đất nước đã anh dũng chiến đấu, sẵn sàng dâng hiến tính mạng, máu xương và cả thời tuổi trẻ của mình bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. 

Bên cạnh các tiết mục ca múa nhạc, chương trình cũng đem đến cho khán giả những giờ phút lắng đọng, chiêm nghiệm qua những phóng sự ngắn do phóng viên, biên tập viên của Báo Quân đội nhân dân thực hiện.  

Ở phần 1 của chương trình, chủ đề tư tưởng về “Sự hy sinh cao cả” được lột tả thông qua các bài hát, phóng sự đã giúp khán giả hiểu hơn về tâm hồn, tình cảm, lý tưởng sống của các thế hệ thanh niên đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những thước phim chân thực đưa người xem qua nhiều trạng thái: Rưng rưng khi chứng kiến biết bao người mẹ, người vợ tiễn chồng, con ra trận; tràn trề nhiệt huyết trước những thời khắc hào hùng “Chín năm làm một Điện Biên”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những đoàn quân ra trận, những cô gái thanh niên xung phong xông pha bom đạn; sự xúc động trào dâng trước hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng một mình bên mâm cơm…

Ca sĩ Lan Anh biểu diễn tại chương trình. 
NSƯT Đăng Dương. 
Ca sĩ Anh Thơ. 

Với chủ đề “Tri ân”, phần 2 của chương trình khẳng định chân lý vĩnh hằng và tâm nguyện lớn lao: Khi cả dân tộc đã và đang an hưởng thái bình, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng. Chương trình cũng mang đến thông điệp sâu sắc, khẳng định: Hoạt động tri ân không chỉ mang ý nghĩa xã hội mà còn mang tính chính trị và nhân văn sâu sắc; là nét văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Công việc tri ân đã, đang và sẽ là việc làm thường xuyên của mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, đơn vị; của đồng bào ta trong và nước ngoài. Đó là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người dân Việt Nam...

 Ca sĩ Lê Anh Dũng.

 

 NSƯT Hồng Hạnh.
 Ca sĩ Trần Hồng Nhung.

Phóng sự trong phần hai của chương trình đã gửi đến khán giả hình ảnh xúc động về những trái tim, tấm lòng thiện nguyện, nhiều năm qua bền bỉ góp sức cho hoạt động “Uống nước, nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, để thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: "Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ". Trong những năm qua, Đảng  và Nhà nước đã nỗ lực ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, từ ưu đãi về giáo dục và đào tạo, miễn giảm thuế trong sản xuất, kinh doanh, ưu tiên giao đất sản xuất, cải thiện về nhà ở, đất ở đến chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” cũng được khắp các tỉnh, thành trong cả nước phát động như: Áo ấm tặng mẹ - Áo lụa tặng bà, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa, chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng thương bệnh binh, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng tượng đài, thắp nến tri ân…

Nhóm Phương Bắc. 
Ca khúc Việt Nam trên đường chúng ta đi do NSƯT Đăng Dương thể hiện khép lại chương trình nghệ thuật "Đất nước vẹn tròn ân nghĩa". 

“Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa” cũng là phong trào được Báo Quân đội nhân dân phát động từ ngày đầu tiên thành lập và thực hiện bằng những hoạt động cụ thể. Tại chương trình, Ban tổ chức công bố trao 200 suất quà tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng ở một số đơn vị, địa phương. Sau chương trình, Ban tổ chức phối hợp với các đơn vị đồng hành tổ chức tặng quà trực tiếp đến các đối tượng chính sách theo kế hoạch.

Chương trình nghệ thuật “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa” được ghi hình và phát sóng trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Bài, ảnh: VIỆT CƯỜNG - HƯƠNG LAN